Xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với an sinh xã hội
09/11/2021 10:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội của Quốc hội, chiều 8/11, phát biểu làm rõ thêm môt số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong phiên thảo luận, các đại biểu đề cập nhiều đến 5 nội dung lớn: Thứ nhất là các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; Thứ hai là vấn đề phát triển các trụ cột chính của an sinh xã hội; Thứ ba là vấn đề chăm lo các đối tượng yếu thế; Thứ tư là kết quả triển khai các gói hỗ trợ; Thứ năm là vấn đề đào tạo bồi dưỡng nhân lực, nguồn lao động và chăm lo phục hồi thị trường lao động.
Hệ thống an sinh xã hội cơ bản đáp ứng được các yêu cầu
Đánh giá và nhìn nhận vấn đề an sinh xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, chúng ta luôn luôn kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Do đó, có thể thấy rằng hệ thống an sinh xã hội của chúng ta thời gian qua cơ bản là đáp ứng được các yêu cầu và thực hiện quyền an sinh của người dân tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam tăng trưởng nhanh; hệ thống an sinh xã hội cũng đã từng bước hình thành ba chức năng cơ bản là: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.
Về việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, thời gian vừa qua, về cơ bản, chúng ta tương đối chủ động, triển khai bài bản và thực hiện theo lộ trình đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, các tình huống cụ thể. Như đối với người yếu thế, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thay thế Nghị định 136/NĐ-CP, trong đó nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu thế lên trên 33%, cá biệt có những đối tượng nâng lên 100%.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN.
Đối với người có công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/NĐ-CP và đảm bảo 7/12 nhóm đối tượng được nâng mức hỗ trợ hàng tháng, trong đó hàng năm hoặc hàng tháng thì nâng lên mức độ hỗ trợ nâng lên khoảng trên 1.000 tỷ đồng/ năm. Đồng thời hiện nay, Chính phủ đang triển khai khẩn trương các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững, đảm bảo đúng tiến độ Quốc hội quy định, tiến hành điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với người nghỉ hưu trí, đặc biệt quan tâm đến người nghỉ hưu trước năm 1995, có lương hưu thấp.
“Trong phòng, chống dịch, vừa qua, Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương đã ban hành nhiều chủ trương chính sách với các gói ngân sách lớn, hàng triệu túi an sinh đảm bảo an sinh xã hội để người dân an tâm ở nhà, tham gia phòng chống dịch cũng như thực hiện phương châm “an sinh xã hội là trọng yếu, là nhiệm vụ thường xuyên”. Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành ba gói chính sách an sinh lớn nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH thông tin
Bộ trưởng cho biết, đến nay, tuy còn nhiều hạn chế, việc triển khai ba gói hỗ trợ đã cho thấy kết quả như sau:
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng.
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP qua 4 tháng triển khai toàn quốc đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng hưởng.
Gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, đã rà soát hỗ trợ 363 nghìn người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 8 triệu người lao động đạt 85% lực lượng lao động trong đối tượng thụ hưởng với 20,644 nghìn tỷ đồng.
“Cùng với chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ của địa phương và vận động nguồn lực xã hội cũng như của nhân dân, đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, mặc dù còn rất nhiều khó khăn thách thức nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội
Về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động nhưng điều đáng mừng là hơn một tháng qua trong “trạng thái mới thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả” thì tình hình đang có tiến triển rất khả quan. Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và qua kiểm tra cho thấy, hiện nay phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất từ 50-80%, số lao động phục hồi hiện nay khoảng 70-75%, cá biệt có địa phương tới 90%. Như vậy so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng do đã chủ động những giải pháp và các địa phương cũng từng bước phục hồi sản xuất. Theo Bộ trưởng, dự báo thì hết quý I và đầu quý II/2022 nếu không có diễn biến phức tạp thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường là đáp ứng được.
Hệ thống an sinh xã hội thời gian qua cơ bản đáp ứng được các yêu cầu và thực hiện quyền an sinh của người dân. Ảnh: Quochoi
Cũng theo Bộ trưởng, về vấn đề này Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ và xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề an sinh xã hội và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá với những chơ cơ chế chính sách đề xuất đảm bảo đủ mạnh, đủ lớn để chương trình này là một trong những nội dung trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế xã hội của đất nước tập trung vào 7 vấn đề lớn:
Thứ nhất là hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng lực lượng lao động để góp phần phục hồi kích cầu tiêu dùng.
Thứ hai là hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi khôi phục duy trì phát triển sản xuất giải quyết việc làm.
Thứ ba là nâng cao hiệu quả ứng dụng dịch vụ công việc làm, hiệu quả đổi mới cung cầu lao động và phát triển giao dịch việc làm, kết nối việc làm trực tuyến.
Thứ tư là hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hạ tầng đào tạo chất lượng cao.
Thứ năm là đầu tư phát triển các cơ sở chăm lo đối tượng yếu thế tổn thương vì dịch bệnh.
Thứ sáu là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động chuyển đổi số trong lĩnh vực dân cư và kết nối với lao động
Cuối cùng là tập trung chăm lo, phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo công nhân và lao động nhập cư.
PV