BHXH tỉnh Bình Thuận: Nỗ lực đảm bảo nhiệm vụ an sinh xã hội trên địa bàn
27/10/2021 10:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian đại dịch Covid-19, song nhờ sự chủ động, quyết liệt và nắm bắt sát tình hình thực tiễn của từng địa bàn, từng địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, nên BHXH tỉnh Bình Thuận đã tạo được sự đột phá trong các hoạt động.
Trong năm 2021 ngành BHXH Việt Nam nói chung và BHXH Bình Thuận nói riêng gặp nhiều khó khăn trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 trên phạm vi cả nước. Tại Bình Thuận, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg, các địa phương còn lại thực hiện chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh hoặc phải thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nên chi phí lớn, doanh thu giảm sút, dẫn đến nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ riêng ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch đến nay đã có 187 doanh nghiệp ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn ngừng hoạt động; 181 cơ sở hoạt động cầm chừng. Từ tháng 5/2021 đến nay toàn bộ cơ sở giáo dục mầm non, giao thông vận tải tạm ngừng hoạt động. Trong tháng 7, 8, 9 nhiều doanh nghiệp may mặc, chế biến thủy sản xuất khẩu tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu, thu nợ. Nhiều doanh nghiệp khó khăn đã có văn bản đề nghị gia hạn dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đề nghị giãn đóng, chậm đóng, miễn thu lãi chậm đóng đến cuối năm 2021; một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động và không có khả năng đóng BHXH vì đã giảm hết số lao động. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích (không tồn tại, không hoạt động) khoảng 177 đơn vị, nợ khó thu trên 12.522 triệu đồng, đến nay chưa có văn bản xử lý dứt điểm nợ khó thu đối với các đơn vị này…
Hình minh hoạ
Vượt qua những khó khăn chung, BHXH Bình Thuận cũng đã chung tay cùng các ngành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ). Đến nay, BHXH tỉnh Bình Thuận đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 3.797 lao động tại 13 doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng với tổng số tiền 22.472 triệu đồng. Thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng cho 86.400 lao động với số tiền tạm tính là 27.945 triệu đồng. Đồng thời, xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động tham gia đào tạo cho 367 đơn vị với 9.556 lao động để có cơ sở thực hiệc các chính sách hỗ trợ khác cho NLĐ gặp khó khăn. BHXH Bình Thuận còn phối hợp các ngành liên quan giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian đại dịch Covid-19, song nhờ sự chủ động, quyết liệt và nắm bắt sát tình hình thực tiễn của từng địa bàn, từng địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, nên đã tạo được sự đột phá trong các hoạt động. Đến đầu tháng 10/2021 số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 85,7% kế hoạch và đang có xu hướng tăng dần do một số đơn vị sau giãn cách đã hoạt động trở lại. Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 84,7% kế hoạch. Số người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 53,9% kế hoạch, tăng 3.943 người (tăng 54,6%) so với cùng kỳ năm 2020. Số người tham gia BHYT đạt 92,3 kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 87,2% dân số. Số thu toàn tỉnh đạt 67,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp chiếm 5,87% dự toán thu.
Gấp rút triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ được hưởng một cách kịp thời.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh Nguyễn An Hải, ở khu phố 7 phường Phú Thủy- TP. Phan Thiết rất vui mừng khi biết được thông tin về gói hỗ trợ cho NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BH thất nghiệp. Bởi, là lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, anh Hải có thời gian tham gia đóng BH thất nghiệp được 5 năm 2 tháng, đến tháng 9/2020, do tình hình khó khăn chung, anh đã xin thôi việc và hưởng chế độ BH thất nghiệp cho thời gian 5 năm đóng và bắt đầu được hưởng từ tháng 10/2020 và hiện anh đang còn bảo lưu 2 tháng BH thất nghiệp.
Qua đối chiếu với các quy định được chia sẻ trên mạng xã hội và làm theo hướng dẫn đăng ký cá nhận trên cổng dịch vụ công BHXH từ ngày 01/10 đến ngày 07/10 anh nhận được tiền hỗ trợ 1.800.000 đồng, anh vui mừng chia sẻ “Nhận hỗ trợ gói này cũng mừng vì trước giờ các gói hỗ trợ của tỉnh hay của Trung ương thì em đều không đủ điều kiện nhận do đặc thù của đơn vị cũ”.
Những NLĐ đầu tiên nộp hồ sơ nhận hỗ trợ
Chị Trần Thị Trang ở xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh có thời gian làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh và đã hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020, còn thời gian bảo lưu 2 tháng BH thất nghiệp, chị cũng đăng ký nhận trên cổng dịch vụ công BHXH và nhận được mức hỗ trợ 1.800.000 đồng.
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Chất - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận, được biết: Theo quy định có 02 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 116, gồm: Một là, NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 có tên trong danh sách tham gia BH thất nghiệp của cơ quan BHXH (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); NLĐ đã dừng tham gia BH thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BH thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng. Hai là, Người SDLĐ được quy định tại Điều 43 của Luật việc làm đang tham gia BH thất nghiệp trước ngày 01/10/2021- không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Theo đó, BHXH tỉnh đặt ra mục tiêu thời gian thực hiện phải được rút ngắn tối đa để thuận lợi cho NLĐ và quy trình thủ tục phải thuận tiện, đơn giản.
Theo thống kê ban đầu của cơ quan BHXH tỉnh, Bình Thuận sẽ có 1.894 đơn vị với 47.831 lao động được hưởng chính sách giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ BH thất nghiệp - tương ứng số tiền được giảm khoảng 30 tỷ 400 triệu đồng và khoảng 49.277 NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp được nhận hỗ trợ, tương ứng trên 119 tỷ 500 triệu đồng và dự kiến 14.953 lao động đã nghỉ việc - tương ứng khoảng 27 tỷ 600 triệu đồng được hưởng chính sách BH thất nghiệp từ gói hỗ trợ này.
Cũng theo lời Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Đình Chất, trước tiên NLĐ nên cài đặt ngay ứng dụng VssID-BHXH số. Bởi vì qua ứng dụng NLĐ sẽ biết ngay tổng thời gian đã tham gia BH thất nghiệp của mình, từ đó biết chính xác số tiền sẽ được hỗ trợ là bao nhiêu tương ứng với số tháng mình đã tham gia BH thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp và tự mình giám sát được việc thực hiện minh bạch của chính sách. Ngoài ra, NLĐ kịp thời mở tài khoản cá nhân để cơ quan BHXH chuyển tiền hỗ trợ. Bởi vì trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc NLĐ nhận tiền qua tài khoản vừa đảm bảo kịp thời, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
NLĐ gửi lời cảm ơn cơ quan BHXH sau khi nhận hỗ trợ
Qua chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết này, các đơn vị SDLĐ và NLĐ nhận thức được sự ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, nâng cao trách nhiệm, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT. Bởi trong những tình huống cấp bách, khó khăn chính sách BHXH, BHYT đã luôn đồng hành cùng NLĐ và người SDLĐ, thực hiện tốt vai trò an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ vượt qua khó khăn.
Từ nay đến cuối năm thời gian còn lại không nhiều, song tình hình dịch bệnh đang được từng bước kiểm soát, các địa phương chuẩn bị bước vào trạng thái “bình thường mới”, sống chung với Covid-19 để phát triển sản xuất, kinh doanh, nên ngành BHXH có cơ hội dồn sức thực hiện nhiệm vụ đề ra năm 2021. Trong đó, trọng tâm là hoàn thành các chỉ tiêu thu; giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 2,37%. Trong gần 03 tháng còn lại BHXH Bình Thuận tập trung thực hiện các biện pháp chủ yếu, đó là: Xác định thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ, BHYT toàn dân là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành; phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ đôn đốc thu, thu nợ BHXH, các Tổ khai thác phát triển người tham gia thông qua dữ liệu thuế năm 2019, 2020; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để chỉ đạo cơ sở KCB thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về KCB BHYT; thực hiện chạy dữ liệu chi phí KCB BHYT trên phạm vi toàn tỉnh, kịp thời phát hiện những chỉ số gia tăng bất thường; tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh để tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, miền núi tham gia BHYT học sinh và BHYT hộ gia đình; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với hệ thống Bưu điện tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau đẩy nhanh số người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao, trong điều kiện vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; phát huy hiệu quả hoạt động của đại lý thu, tập trung vào các địa phương có tỷ lệ tham gia thấp để tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận thông tin về chính sách BHXH, BHYT, qua đó khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT ổn định và bền vững.
PV