Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến: Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn
24/10/2021 12:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Yêu cầu cần thiết cho mô hình toà án trực tuyến
Nhằm bảo đảm cho việc xét xử bình thường của tòa án trong thời hạn luật định, theo quy định tại Điều 31, Hiến pháp 2013 và các Bộ luật Tố tụng hiện hành, nhằm bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện xã hội số, tòa án điện tử, hội nhập quốc tế.
Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, phiên tòa trực tuyến là vấn đề còn mới, phát sinh từ yêu cầu thực tiễn trong điều kiện bộ luật, các luật tố tụng hiện hành chưa có quy định nên để bảo đảm tính pháp lý cao cần cân nhắc bổ sung, điều chỉnh rõ phạm vi tại Khoản 1 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết và bố cục lại như sau: Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm và loại án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính có tính chất tình tiết đơn giản. Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Khi đó, việc bổ sung phạm vi xét xử trực tuyến đối với các loại án hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vào Nghị quyết sẽ rõ ràng và cụ thể hơn.
Cũng tại Khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị quyết quy định: “Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa xử có sử dụng thiết bị điện tử liên kết với nhau thông qua môi trường mạng”. Qua nghiên cứu Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm túc thuộc thẩm quyền tòa án nhân dân cấp huyện. Mặt khác, theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và luật tố tụng có liên quan, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện. Do đó, để triển khai thực hiện tốt quy định khi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, yêu cầu cấp thiết cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện bảo đảm thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến tại hơn 700 tòa án cấp huyện, tòa án dân sự và các cơ sở tạm giữ, tạm giam do ngành công an quản lý.
Thêm vào đó, nhất thiết phải có ngân sách đầu tư, chu cấp trang thiết bị điện tử, công nghệ cho hệ thống tòa án các ngành, các cấp tại các điểm cầu thành phần để bảo đảm liên kết thông qua môi trường mạng. Ngoài ra, cần có kinh phí tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Do vậy, Quốc hội và Ban soạn thảo cần cân nhắc có điều khoản quy định về ngân sách tổ chức thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan tố tụng khi triển khai thực hiện Nghị quyết.
Khi tổ chức phiên tòa trực tuyến phải quán triệt, tuân thủ nguyên tắc không làm phát sinh thêm thủ tục tố tụng mới. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu Dự thảo Thông tư liên tịch về quy định phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến với các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Cần thường xuyên báo cáo Quốc hội để kịp thời hoàn thiện, bổ sung
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, trong phạm vi xét xử vụ án, cần bổ sung nguyên tắc xác định địa bàn ở các thành phố lớn - nơi có nhu cầu xét xử cao cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm.
Nguyên tắc xét xử cũng cần quy định rõ để thực hiện đúng các nguyên tắc chung trong quá trình xét xử, như xét xử độc lập, công khai, tập thể và quyết định theo đa số.
Do chưa được các bộ luật và luật tố tụng hiện hành quy định, cần thực hiện 3 năm và áp dụng thời gian thi hành từ 1.1.2022 đến 31.12.2024. Đồng thời, tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến và có lộ trình sửa đổi, bổ sung bộ luật và các luật tố tụng liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính pháp quyền của công tác xét xử.
Ngoài ra, việc xác định văn bản điện tử như bản scan của hợp đồng cũng là vấn đề cần quan tâm, xem xét và quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết và bảo đảm rằng văn bản điện tử có giá trị pháp lý khi được sử dụng để chứng minh trong phiên tòa trực tuyến.
Giải trình về những vấn đề ĐBQH quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đồng tình với nhận định của ĐBQH cho rằng, phiên tòa trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà đây là câu chuyện về lâu dài. Nếu nhất trí thời gian thực hiện Nghị quyết trong 3 năm, thì sau 3 năm chúng ta cần có một Nghị quyết khác nếu muốn duy trì phương thức xét xử trực tuyến này. Cho nên, trong báo cáo hàng năm của tòa án sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện. Thế nhưng, khi chúng ta ấn định thời hạn 3 năm thì có nghĩa, phương thức phiên tòa trực tuyến chỉ được thi hành trong 3 năm trong khi các đại biểu đều khẳng định đó là công tác về lâu dài.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về nguồn lực bảo đảm cho phiên tòa trực tuyến, Chánh án cho biết tòa án đã chuẩn bị ở một số địa phương và sự chuẩn bị này gắn liền với sự hỗ trợ ở địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang, Tuyên Quang. Các địa phương đã có sự chuẩn bị thấu đáo về hạ tầng. Tuy nhiên, vẫn cần bố trí nguồn lực một cách hợp lý và cũng đã đưa vào dự thảo Nghị quyết là Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, trong quyền hạn của mình, đều sẽ thực hiện phương thức này. Do vậy, "trong dự thảo Nghị quyết cũng đã giao cho các bên liên quan chuẩn bị".
Chánh án đồng tình với ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), đề nghị Quốc hội thông qua việc xét xử trực tuyến và giao tòa án xây dựng Đề án về Tòa án điện tử. Tòa án điện tử sử dụng công nghệ thông tin cho nên cần có 3 yếu tố:
Một là, máy móc, thiết bị, đường truyền và các phần mềm. Hai là, nhân lực về công nghệ thông tin bao gồm: kỹ sư công nghệ thông tin; đội ngũ tòa án sử dụng công nghệ thông tin để các cơ quan khác tới như viện kiểm sát tới điều tra; công chúng có sử dụng công nghệ thông tin khi có việc liên quan tới tòa án. Ba là, hạ tầng pháp lý cho việc sử dụng công nghệ thông tin, có thể nghiên cứu ban hành đạo luật riêng. "Việc xây dựng Đề án như thế thì chúng tôi đã hoàn thành và có sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Luật sư và các bộ, ban, ngành", Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết.
Tòa án điện tử sẽ nhằm mục đích quản trị tòa án qua ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm: quản lý nhân sự, án, tài chính…; điều hành, bồi dưỡng đào tạo; cung cấp cho công chúng tiện ích, dịch vụ công về tư pháp như công khai bản án, hệ thống pháp luật, giới thiệu án lệ, giải thích pháp luật.
Cùng với đó, việc thực hiện một số hoạt động tố tụng trên nền công nghệ số như xét xử điện tử, lấy lời khai, xét xử trực tuyến, hòa giải trực tuyến, nhận đơn, trả lời đơn; quản lý xây dựng hồ sơ số, quản lý, chuyển giao trên nền tảng công nghệ số.
Từ 1/10/2020-30/9/2021, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt tỉ lệ 87,05%. Trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Số vụ phạm tội về quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.
PV