Chính sách BHYT: Người bạn đồng hành, sẻ chia lúc khó khăn, bệnh tật
22/09/2021 04:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một tai nạn bất ngờ, một căn bệnh ập tới. Đó là những điều không ai mong muốn trong cuộc đời nhưng đôi khi phải đối mặt, vượt qua. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người đã tìm thấy chỗ dựa qua tấm thẻ BHYT nhỏ bé, luôn đồng hành và sẻ chia.
Chính sách BHYT: Người bạn đồng hành, sẻ chia lúc khó khăn, bệnh tật (Ảnh minh hoạ)
“Vụ nổ thùng phuy”
Đầu năm 2019, tại TP.Yên Bái (tỉnh Yên Bái), cô Nguyễn Thị Duyên (58 tuổi) mua một thùng phuy sắt đựng xăng cũ về nhờ một người hàng xóm cắt thành phần chắn gió để đun bếp than. Tuy nhiên khi lưỡi cưa vừa hạ xuống, một tiếng nổ lớn thổi bay cả 2 người. Cô Duyên bị nặng nhất, mất ngay 1 cánh tay, bất tỉnh.
Hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái ghi, bệnh nhân Nguyễn Thị Duyên được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng mất một tay trái, nát chân trái, rách màng ruột non, chảy máu dạ dày, dập lá lách, phổi thủng… Cơ quan nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng, sự sống mong manh. Bệnh nhân Nguyễn Thị Duyên được đưa vào tình trạng báo động đỏ, phải cấp cứu mổ kịp thời và chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Sau 2 tháng điều trị, trong đó có gần một tháng ở trạng thái bất tỉnh, với tổng cộng 7 lần mổ; sử dụng các loại thuốc đắt tiền, phương pháp hiện đại cô Duyên đã vượt qua và dần phục hồi, kiên cường chiến thắng tử thần. Giờ đây tuy mất tay và chân trái nhưng cô Duyên vẫn thấy mình thật may mắn. Ngồi trong ngôi nhà còn xây dựng dang dở, nhớ lại quãng thời gian đó, cô Duyên không khỏi ngậm ngùi. Cô kể: năm 2016, hai vợ chồng quyết định xây lại căn nhà cho kiên cố, rộng rãi hơn. Nhưng khi ngôi nhà vừa mới khởi công được 6 tháng, chồng cô bất ngờ bị tai nạn qua đời. Một mình cô phải lo lắng, gánh vác mọi thứ nên đến cuối năm 2018, căn nhà mới xong phần thô. Rồi chưa kịp hoàn thiện thì tai nạn xảy ra.
“Khi tôi nhập viện, hai cô con gái lấy chồng xa đều tức tốc trở về chăm sóc mẹ ròng rã mấy tháng trời trong bệnh viện. Khi tỉnh lại tôi thấy mình thật may mắn nhưng cũng rất lo lắng khi nghĩ đến quá trình điều trị, thuốc thang tốn kém. Tiền bạc tiết kiệm bao năm đã dành xây nhà, con cái đều khó khăn. Như biết được suy nghĩ của mẹ, các con tôi đều động viên và cho biết, viện phí đã được quỹ BHYT chi trả đến 95%. Lúc đó, tôi mới bình tâm lại và không ngờ tấm thẻ BHYT mình quen thuộc bao năm nay lại có giá trị đến như thế”- cô Duyên tâm sự.
Được biết, thống kê sơ bộ quá trình điều trị, cô Duyên đã được quỹ BHYT thanh toán số tiền hơn 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng tháng, cô đều phải đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để theo dõi, phục hồi, quá trình này sẽ còn rất dài. Đồng hành với cô chính là tấm thẻ BHYT giúp san sẻ bớt những khó khăn. Cô cũng cho biết: thời trẻ cô đi bộ đội, sau đó chuyển sang làm trong ngành thương nghiệp của tỉnh nên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Hiện cô đang hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với số tiền hơn 3,3 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của cô để trang trải cuộc sống, phụ giúp cùng con cái, tìm lại niềm vui trong gia đình.
Ảnh minh hoạ
“Dao sắc không gọt được chuôi”
Ở một không gian khác, căn phòng khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn tĩnh lặng, chỉ có tiếng rù rì phát ra từ gần 20 chiếc máy chạy thận nhân tạo. Những bệnh nhân trên cánh tay cắm đầy ống truyền đỏ thẫm. Đó là những người mắc căn bệnh suy thận nặng, phải lọc máu, điều trị suốt quãng đời còn lại.
Nằm trên giường bệnh kê ở một góc phòng, chị Hoàng Thị Tuyết (49 tuổi, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) là “thành viên trẻ” ở đây. Chị Tuyết mới vào điều trị chạy thận nhân tạo gần 2 năm nay. Trớ trêu, chị là một bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc nên khi biết mình bị căn bệnh này chị rất buồn. “Dao sắc không gọt được chuôi” chị than thở cho số phận khi mang trong mình căn bệnh quái ác, y học chưa thể trị dứt điểm. Nhưng may mắn hơn một số bệnh nhân khác, chị đã tham gia BHYT liên tục nhiều năm nên khi vào điều trị không phải điêu đứng, quá lo toan về tài chính.
Hai năm qua, trải qua đủ cung bậc cảm xúc từ tuyệt vọng rồi hi vọng và giờ là sự bình thản khiến chị trở nên suy tư hơn. Chị bộc bạch: Nhiều lúc nằm nghe tiếng máy lọc, cảm nhận những phập phồng của mạch máu cắm ống truyền, tôi nghiệm ra nhiều điều. Bệnh tật thì chẳng chừa một ai, dù đó là một bác sĩ. Lúc khỏe mạnh ai ngờ được ngày mai mình có thể mệt mỏi, đau đớn, không hé nổi một nụ cười với người thân yêu. Đối mặt với những điều không ai mong muốn đó, tôi nghĩ chẳng có sự chuẩn bị nào tốt mà lại rẻ hơn việc tham gia BHYT. Khi đi làm, tấm thẻ BHYT, tôi thường được cầm vào mỗi dịp đầu năm. Nhưng trước đây, tôi thường cất nó vào một ngăn tủ rồi lãng quên nhưng tấm thẻ BHYT thì chẳng “lãng quên” ai bao giờ, lúc ta cần nó vẫn còn nguyên giá trị. Căn bệnh tôi mắc, quãng thời gian điều trị còn rất dài nhưng tôi không thấy mình đơn độc vì đã có người bạn đồng hành.
Là một trong những người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, dược sĩ Hoàng Đình Nam chia sẻ: “Hiện, bệnh viện đang điều trị thường xuyên cho hàng chục bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 11 triệu/tháng, cả năm là 120- 130 triệu đồng. Chi phí này vượt quá điều kiện kinh tế của hầu hết bệnh nhân ở đây. Do đó, nếu không có chính sách BHYT thì không ít người đã buông xuôi, từ bỏ điều trị từ lâu vì đây là căn bệnh cần điều trị liên tục, dài ngày. Hiện có nhiều bệnh nhân đã điều trị chạy thận nhân tạo trên 10 năm, cao nhất đã 18 năm. Thấm thía giá trị và tính nhân văn của chính sách BHYT, y bác sĩ chúng tôi luôn khuyên mọi người, hằng năm nên tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình cũng như sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng”./.
Phạm Chính