Nhìn lại việc thực hiện BHXH ngoài quốc doanh tại tỉnh Thái Bình và Hoàng Liên Sơn
28/10/2019 09:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp theo TP.Hải Phòng, tỉnh Thái Bình và Hoàng Liên Sơn cũng tiên phong thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh.
Với đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, đối tượng tham gia BHXH ngoài quốc doanh của Thái Bình chủ yếu là lao động nông nghiệp. Trong quá trình tổ chức làm thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, Công ty BHXH ngoài quốc doanh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Trình làm Giám đốc, đã mở rộng ra cả đối tượng là các nhà tu hành trong các chùa. Nguồn Quỹ thu được ngoài việc gửi ngân hàng hưởng lãi suất hàng tháng theo quy định chung, Thái Bình còn đầu tư kinh doanh lương thực từ miền Nam ra miền Bắc với tỷ lệ sinh lời cao. Tuy nhiên đây là biện pháp hết sức mạo hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao trong tình hình giá lương thực biến động mạnh, kinh doanh lương thực dễ xảy ra thất thoát, khó bảo quản và yêu cầu phải có mạng lưới rộng.
Riêng với Hoàng Liên Sơn là một tỉnh miền núi, nhưng việc thí điểm BHXH ngoài quốc doanh cũng được lãnh đạo tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm tổ chức thực hiện. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cử đồng chí Đỗ Đình Ương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiêm giữ chức Giám đốc Công ty BHXH ngoài quốc doanh. Tổng số biên chế của Công ty BHXH ngoài quốc doanh có 05 người. Do lãnh đạo và cán bộ có nhiều cố gắng nên trong một thời gian ngắn, việc thực hiện BHXH ngoài quốc doanh ở Hoàng Liên Sơn đã có hàng vạn lao động tham gia. Tuy nhiên, đến ngày 01/10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn thực hiện việc chia tách địa giới hành chính, thành lập 02 tỉnh Lào Cai và Yên Bái nên việc thí điểm thực hiện BHXH ngoài quốc doanh tạm dừng lại.
Qua gần 02 năm thực hiện thí điểm mô hình BHXH ngoài quốc doanh tại 04 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, TP.Hải Phòng, Thái Bình. Cuối năm 1991, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thí điểm do Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Thị Hằng chủ trì. Sau khi nghe các địa phương làm thí điểm báo cáo kết quả, đồng chí Thứ trưởng kết luận: Việc tổ chức thí điểm BHXH đối với lao động ngoài quốc doanh là rất cần thiết, đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ VII: “Đổi mới chính sách BHXH theo hướng mọi người lao động và các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần đều đóng góp vào quỹ BHXH”. Từ kết quả thí điểm, tìm ra mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động BHXH phù hợp với tiến trình đổi mới theo hướng xóa bỏ cơ chế hành chính bao cấp. Qua 02 năm làm thí điểm, chúng ta đều nhận thấy, BHXH phải được thực hiện cho mọi người lao động, không phân biệt trong quốc doanh hay ngoài quốc doanh, với nghĩa vụ và quyền lợi được hưởng cần được quy định thống nhất, áp dụng chung cho mọi đối tượng tham gia. Tổ chức quản lý BHXH phải được tập trung thống nhất vào một đầu mối, Quỹ BHXH cần được hạch toán độc lập, từng bước tách ra khỏi ngân sách nhà nước. Đặc biệt, qua thí điểm, đã xác định được mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động BHXH theo cơ chế mới. Đó là những vấn đề hết sức thiết thực mà các địa phương làm thí điểm, bằng nghiên cứu và kết quả hoạt động thực tiễn đã chỉ ra. Trước khi Chính phủ chính thức ban hành một Điều lệ BHXH mới, việc thí điểm cần tiếp tục được thực hiện tốt hơn để khẳng định cho được vấn đề đổi mới BHXH là một đòi hỏi thật sự cấp bách, vì quyền lợi chính đáng của người lao động và vì sự nghiệp đổi mới kinh tế của đất nước. Với các địa phương đã thực hiện thành công thí điểm, đặc biệt là TP.Hà Nội với những nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao và đã được đưa vào thực hiện, cần xây dựng đề án hợp nhất BHXH trong quốc doanh với BHXH ngoài quốc doanh, báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương từng bước triển khai thực hiện BHXH cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế./.
ThS. Dương Ngọc Ánh