Tiếp tục đảm bảo mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH
21/04/2017 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 16/3, tại Hà Nội, thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Uỷ ban) đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam để nghe báo cáo và giải trình về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi chủ trì buổi làm việc
Buổi làm việc sẽ là cơ sở để Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016 tại kỳ họp thứ 3 được tổ chức vào tháng 5/2017. Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, hàng năm, Chính phủ có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Trước đây, theo quy định của Luật BHXH năm 2006, chỉ giám sát tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHXH, nhưng theo Luật BHXH năm 2014 sẽ giám sát thêm tình hình thực hiện pháp luật BHXH và tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHXH. Đây là điểm khác so với công tác giám sát năm 2015. Báo cáo của ba cơ quan về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2016 đều cho thấy, việc lập, giao dự toán của BHXH Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định. Dự toán thu, chi được lập chi tiết theo nhóm đối tượng tham gia, nhóm đối tượng thụ hưởng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; được trình Hội đồng quản lý BHXH thông qua trước khi báo cáo Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế để xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao dự toán. Theo đó, các quỹ thành phần thuộc quỹ BHXH, quỹ BH thất nghiệp được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp; được quản lý tập trung, hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần và cân đối thu, chi theo từng quỹ tại BHXH Việt Nam; sổ kế toán, chứng từ kế toán, thanh quyết toán các khoản thu chi BHXH, BH thất nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về kế toán do Bộ Tài chính quy định.
Báo cáo tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, về phát triển đối tượng tham gia, đến cuối năm 2016 có khoảng 13,13 triệu người tham gia BHXH, tăng 6,8% so với năm 2015, và theo số liệu thống kê của Bộ này thì đây cũng là năm có tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH cao nhất kể từ năm 2011; riêng nhóm đối tượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,56 triệu người so với năm 2015. Trong năm, có khoảng 123 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được tham gia BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014; số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng (tăng khoảng 41% so với năm 2015); số người tham gia BH thất nghiệp tăng 6,5% so với năm 2015, và đặc biệt, tại các đơn vị có dưới 10 NLĐ- trước đây không thuộc diện bắt buộc tham gia, thì từ năm 2015 trở đi đã được tham gia BH thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm. Tổng số thu BHXH và BH thất nghiệp năm 2016 là khoảng 182.224 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2015. Trong đó, thu BHXH là 170.804 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015; thu BH thất nghiệp là 11.420 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2015. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm, Ngành BHXH đã thực hiện chi trả cho khoảng 2,62 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 0,05 triệu người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 0,3 triệu người hưởng trợ cấp tuất; 0,61 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 5,86 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Theo đó, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp khoảng 165.998 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2015. Trong đó, chi BHXH là 158.627 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2015 do đối tượng thụ hưởng tăng 4,5% và do việc điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non co thời gian làm việc trước năm 1995 theo Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2015 của Chính phủ. Chi BH thất nghiệp là 7.371 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2015 do đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 12% và đối tượng được hỗ trợ học nghề tăng 19% so với năm 2015. Trong năm, hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ tiếp tục được triển khai hiệu quả, đảm bảo an toàn quỹ dướicác hình thức đầu tư chủ yếu như: mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách Nhà nước vay,… Về chi phí quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2016 được bố trí theo đúng mức chi phí quy định tại Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 và Quyết định số 15/2016/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi làm việc, các ý kiến của các đại biểu đều tập trung đưa ra các vấn đề cần ba cơ quan giải trình như: vấn đề bảo đảm quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp, phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn; tại sao chi hưởng trợ cấp thất nghiệp cao còn chi hỗ trợ học nghề thấp; hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện, quản lý chính sách BHXH;…
Về vấn đề làm sao để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp, phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mẫu Diệp cho biết, đây là vấn đề nhức nhối hiện nay, không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ mà cũng là khó khăn cho các nhà quản lý trong việc tìm biện pháp xử lý. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với BHXH Việt Nam nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có chỉ đạo khắc phục tình trạng này, đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân cho NLĐ. Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, “việc khó nhưng ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của NLĐ thì chúng ta vẫn phải quyết tâm làm. Không chỉ làm mà phải làm nhanh, hạn chế tối đa sự thiệt thòi về quyền lợi an sinh cho NLĐ”. Lý giải vấn đề tại sao chi hưởng trợ cấp thất nghiệp cao, còn chi hỗ trợ học nghề thấp, Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp khẳng định do có sự lạm dụng trong việc nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp từ phía NLĐ bị thất nghiệp, mặt khác cũng chính là do chưa có các giải pháp hiệu quả trong việc đào tạo, nâng cao trình độ cho NLĐ. “Bản chất của chính sách trợ cấp thất nghiệp chính là làm sao để hỗ trợ NLĐ bị thất nghiệp nhanh chóng được quay lại thị trường lao động, do đó, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp cụ thể để việc hỗ trợ học nghề, nâng cao trình độ của NLĐ bị thất nghiệp, có cơ hội quay lại thị trường lao động được hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp nói.
Khẳng định việc BHXH Việt Nam tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện và quản lý chính sách BHXH, và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong năm qua là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của Luật BHXH năm 2014 cũng như Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là việc đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT đã góp phần quản lý hiệu quả và giảm thiểu tình trạng lạm dụng quỹ BHYT một cách tối đa. Đơn cử, chỉ tính riêng trên địa bàn Tp.Hà Nội, sau vài tháng triển khai Hệ thống này, đã phát hiện và từ chối thanh toán nhiều tỷ đồng chi phí KCB BHYT bất hợp lý. Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp không chỉ là việc được giao cho Bộ LĐ-TB&XH hay BHXH Việt Nam, mà phải cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đặc biệt, cần phải đưa nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi, đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH trong năm 2016. Qua thực tế giám sát tại 07 tỉnh, thành phố cũng như báo cáo của ba cơ quan cho thấy: công tác tuyên truyền được triển khai rộng, có nhiều đổi mới từ trung ương đến địa phương góp phần phát triển đối tượng tham gia BHXH tăng hơn so với năm 2015; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu đạt những kết quả khả quan; việc quản lý, sử dụng, đầu tư quỹ BHXH được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền có phát triển nhưng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về chiều rộng, phải tăng cường phát triển chiều sâu- tuyên truyền đúng, trúng đối tượng cần tiếp nhận thông tin; việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cần nhanh chóng, kịp thời hơn, nhất là với vấn đề xử lý nợ đọng BHXH kéo dài, vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; công tác thanh tra, kiểm tra, khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng phải quyết liệt, hiệu quả…. Để bảo đảm mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia, đẩy mạnh cải cách hành chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn, tham mưu tích cực để Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia, đặc biệt là việc hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; việc liên thông dữ liệu thông tin giữa các Bộ, ngành liên quan phải được thực hiện hiệu quả, góp phần kiểm soát, thống kê các nhóm đối tượng tham gia, tăng cường năng lực quản lý chính sách cũng như ngăn ngừa việc trục lợi BHXH, BH thất nghiệp; các cấp ủy, chính quyền địa phương phải đưa chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển BHXH, BH thất nghiệp và hướng tới bảo đảm nền an sinh xã hội vững mạnh của địa phương, cũng như của đất nước./.
Trọng Nguyễn
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng ...
Chương trình "Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có ...
BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025
Tháng 5 - Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân