Chính sách Bảo hiểm xã hội: Quá trình hình thành và phát triển

07/02/2025 08:55 AM


Chính sách BHXH là nền tảng cơ bản cho an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Ở nước ta, từ khi mới thành lập, Đảng ta đã quan tâm đến việc hình thành và phát triển chính sách BHXH đối với người lao động.

Trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày nay là Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1929 đã định hướng về chính sách bảo hiểm xã hội của nước ta như sau: “Tổ chức tất cả vô sản giai cấp vào công hội, thực hành bảo hiểm cho thợ thuyền; giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp”. Ngay sau khi nắm quyền lãnh đạo, Đảng đã ra nghị quyết về việc khi thiết lập được chính quyền cách mạng sẽ đặt ra Luật bảo hiểm xã hội, để ra những chính sách xã hội đối với những người làm công ăn lương, xã hội bảo hiểm, cứu tế thất nghiệp người già cả, lương hưu, hưu trí... Ngày 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập. Ngày 9/11/1946 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thông qua Hiến pháp của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.

Chính sách BHXH là nền tảng cơ bản cho an sinh xã hội của mỗi quốc gia (Ảnh minh họa - nguồn internet)

Về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) Hiến pháp xác định: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng". Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 54-SL ngày 03/11/1945 ấn định những điều kiện của chế độ hưu trí cho công chức khi nghỉ hưu. Kế tiếp là các Sắc lệnh 105-SL ngày 14/6/1946, Sắc lệnh 141-SL ngày 21/12/1949, Sắc lệnh 76-SL ngày 10/5/1950 và Sắc lệnh 77-SL ngày 22/5/1950. Những Sắc lệnh này quy định về các chế độ BHXH, điều kiện nghỉ hưu, quỹ hưu trí, mức hưởng thụ và các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHΧΗ.

Đất nước lúc đó vô cùng khó khăn, với 3 thứ giặc (giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm), Đảng và Hồ Chủ tịch vẫn luôn quan tâm đến chính sách BHXH. Dù mới thực hiện được cho một số người hoặc không có nguồn thu tài chính để thực hiện nhưng đây lại là định hướng vô cùng quan trọng cho việc xây dựng chính sách BHXH của nước ta sau này. Những định hướng về chính sách ΒΗΧΗ, BHYT đầu tiên của nước ta đã mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc và cao đẹp, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy còn sơ khai nhưng đã phản ánh được những mặt tiến bộ: Thực hiện nguyên tắc có đóng BHXH mới được hưởng chế độ BHXH; mức hưởng phù hợp với mức đóng BHXH, khả năng của quỹ BHXH và mức hưởng thấp hơn mức lương khi đang làm việc. Mặc dù, việc thực hiện chính sách BHXH thời kỳ này còn hạn chế do đất nước vừa mới giành được độc lập, lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng đã kịp thời giải quyết những khó khăn cấp thiết trước mắt cho những người tham gia cách mạng, những công nhân, viên chức già yếu về nghỉ hưu, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Hiến pháp của nước ta lần thứ 2 được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959 tiếp tục xác định: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức BHXH, cứu tế và y tế để đảm bảo cho người lao động được hưởng điều đó. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương". Thực hiện nội dung Hiến pháp, ngày 27/12/1961 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 218/CP kèm theo Điều lệ tạm thời về BHXH, sau đó ngày 30/10/1964 ban hành Nghị định số 161/CP kèm theo Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; đối với nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; đối với quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự. Chính sách BHXH ban hành tuy mang tính tạm thời nhưng đã phản ánh đúng bản chất của BHXH, quán triệt sâu sắc phương châm, nguyên tắc theo đường lối lãnh đạo của Đảng và nội dung cốt lõi của "Điều lệ BHXH tạm thời" ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thời gian từ 1961 đến 1975, chính sách BHXH ít sửa đổi, bổ sung. Giai đoạn này nhân dân ta đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cuộc cách mạng, dân tộc dân chủ ở miền Nam. Việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH đã góp phần vào thành công của hai nhiệm vụ cách mạng này. Hàng triệu người đã được hưởng quyền lợi BHXH khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi đến thắng lợi cuối cùng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi đất nước thống nhất để đảm bảo quyền lợi cho những người chiến đấu và công tác ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ban hành Nghị định số 10/NĐ-76 (ngày 18/6/1976) để vận dụng thực hiện các chế độ mất sức lao động, hưu trí và tử tuất đối với công nhân viên chức và quân nhân ở miền Nam. Như vậy, đến năm 1976, chính sách BHXH được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, góp phần giải quyết những hậu quả của chiến tranh để lại và ổn định cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang. Giai đoạn 1975 - 1995 là thời kỳ vô cùng khó khăn về kinh tế của đất nước. Sự suy giảm kinh tế, lạm phát ngày một tăng, hàng triệu lao động dư thừa tại các cơ quan, xí nghiệp, công lâm nông trường, hàng triệu người thuộc các lực lượng vũ trang từ mặt trận trở về, các đối tượng chính sách xã hội khác sau giải phóng mà Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm đối với họ. Những chế độ ưu đãi với người có công là nhiệm vụ trước mất, cần thiết phải giải quyết. Đây là yếu tố trực tiếp tác động tới việc sửa đổi, bổ sung chính sách ΒΗΧΗ. Mặc dù quy định quỹ BHXH độc lập thuộc ngân sách Nhà nước nhưng thực tế ngân sách Nhà nước chỉ hầu hết cho các chế độ BHXH, quy định về việc trích nộp BHXH của các nhà máy, công, nông, lâm trường... cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hàng tháng chỉ là trên văn bản còn thực tế việc trích nộp không được quản lý chặt chẽ, người lao động thuộc “biên chế Nhà nước" dù tuổi là được về hưu không cần biết mình đã có bao nhiêu năm đóng ΒΗΧΗ.

Do kính tế - xã hội thời gian này khó khăn nên chế độ chính sách BHXH phải sửa đối, bổ sung nhiều lần nên còn chắp vá, thiếu đồng bộ và xa dần các nguyên tắc, nội dung cốt lõi của BHXH vốn đã được xác định ngay từ khi ra đời. Đối tượng tham gia còn hạn hẹp chỉ là CBCNVC nhà nước, thời gian đóng BHXH không đúng với thực tế. Các chế độ BHXH còn đan xen với các chính sách xã hội khác. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển chính sách BHXH trong giai đoạn trước năm 1995 cho thấy, trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn thực hiện tốt chính sách BHXH, góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống và động viên khuyến khích đội ngũ công nhân, viên chức Nhà nước làm việc và lực lượng vũ trang, chiến đấu trong thời kỳ cách mạng gian khó, gay go nhất trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và thống nhất tổ quốc. Để khắc phục những hạn chế của chính sách BHXH, xây dựng một chính sách BHXH phù hợp với sự đổi mới của nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện kính tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hoà nhập với xu thế phát triển BHXH của các quốc gia trên thế giới, Nghị quyết Đại hội VII của Đảng (1991-1996) đã chỉ rõ: "Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phán kinh tế đều đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Từng bước tách quỹ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức Nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ bảo hiểm xã hội chung cho người lao động thuộc mọi thành phán kinh tế... phát triển bảo hiểm khám chữa bệnh, tăng ngân sách cho hoạt động khám chữa bệnh". Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và Hiến pháp năm 1992, ngày 23/6/1994, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá IX nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, đã thông qua Bộ luật Lao động. Toàn bộ nội dung Chương XII của Bộ Luật này quy định về chính sách BHXH. Trên cơ sở đó, ngày 26/1/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP kèm theo Điều lệ Bảo hiểm xã hội áp dụng đối với người lao động tham gia BHXH và Nghị định 45/CP ngày 15/7/1995 Điều lệ bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân. Đây là lần sửa đổi hết sức quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHXH ở nước ta. Nội dung chính sách BHXH đáp ứng được giai đoạn cách mạng mới nhằm bảo đảm vật chất, góp phần ổn định đời sống cho những người tham gia BHXH và gia đình họ, trong các trường hợp người tham gia BHXH bị ốm đau, thai sản, suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động hoặc chết. Từ đây, phạm vi đối tượng tham gia BHXH mang tính xã hội rộng lớn, áp dụng với mọi người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phán kinh tế và lực lượng vũ trang. Người sử dụng lao động, người lao động phải đóng BHXH, để thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động. Người lao động có đóng BHXH được cơ quan BHXH cấp số BHXH và có quyền được hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật. Quyền hưởng BHXH của người lao động có thể bị đình chỉ, cắt giảm hoặc huỷ bỏ khi người lao động vi phạm pháp luật. Quỹ BHXH được hình thành từ các nguồn thu BHXH và sự hỗ trợ của Nhà nước. Quỹ BHXH được quản lý thống nhất và sử dụng để chi trả các chế độ BHXH. Cơ quan BHXH có trách nhiệm quản lý sử dụng nguồn quỹ theo quy định, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH cho đối tượng tham gia. Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nền kinh tế đã khôi phục và phát triển dẫn tới nhu cầu mở rộng các đối tượng tham gia BHXH. Từ đó xuất hiện nhu cầu về các loại hình BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đây là yêu cầu của thực tế khách quan.

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng (2001 - 2006) khẳng định: “Khẩn trương mở rộng hệ thống BHXH và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động thất nghiệp”; “Từng bước mở rộng vững chắc hệ thống BHXH và an sinh xã hội. Tiến tới áp dụng chế độ BHXH cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân". Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống BHXH, BHYT, tiến tới BHYT toàn dân".

Ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI Quốc hội nước Cộng hoà xã hội của nghĩa Việt Nam thông qua Luật BHXH, Luật BHXH điều chỉnh các mối quan hệ liên quan tới các chủ thể tham gia BHXH, gồm: 11 Chương, 141 điều quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này. Từ đây, chính sách BHXH đã được điều chỉnh bằng Luật, Luật BHXH đánh dấu một mốc lớn cho việc phát triển và hoàn thiện chính sách BHXH ở nước ta phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới./.

Phạm Chính