Cần đầu tư cho y tế cơ sở
01/06/2024 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên thảo luận ở hội trường mới đây, các Đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Việt Nam có nhiều dấu ấn nổi bật được các tổ chức quốc tế đánh giá cao
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) khẳng định, năm 2023, Việt Nam có nhiều dấu ấn nổi bật được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn với triển vọng ổn định. Đây là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Cũng theo ĐB Yến, trong quý I/2024, tăng trưởng GRDP đạt 5,66%- cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Đạt được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt, khoa học, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, về vấn đề cụ thể, ĐB Yến cho biết, theo số liệu công bố, Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ và đột quỵ do tăng huyết áp dẫn đầu thế giới, ước tính 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 ca mỗi năm. Do đó, Chính quan tâm, chỉ đạo để giảm thiểu bệnh lý này; đồng thời bổ sung vào danh mục thuốc và nâng mức thanh toán đối với các loại thuốc BHYT cần thiết để điều trị, phòng ngừa các loại bệnh và bệnh lý ác tính thường gặp.
Tranh luận với ý kiến cho rằng cần đầu tư cho y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, làm theo cách cũ thì sẽ quá dàn trải và không hiệu quả. Do đó, cần đầu tư nguồn lực tập trung cho y tế tuyến huyện. Lý giải cho đề xuất này, ĐB Hiếu cho biết, y tế tuyến huyện quản lý số lượng lớn bệnh nhân và người dân, cũng là nơi hệ thống y tế xuống cấp nhiều nhất cả về nhân lực và cơ sở vật chất.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)
ĐB Hiếu cũng thông tin thêm, qua tiếp xúc với lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện cho thấy "dường như họ đang bơi nhưng không có phao cứu sinh". Bệnh nhân có điều kiện sẽ đi lên tuyến trên, những người ở lại là những người không có điều kiện hoặc bệnh nặng. Cùng với đó là gánh nặng tự chủ của các BV. Trước thực tế này, thời gian qua đã tập trung cho tỉnh Lào Cai đưa bác sĩ nội trú xuống huyện, chuyển giao kỹ thuật, KCB từ xa. Sau 2 năm, hiệu quả thể hiện qua các con số như tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 3,7%, kỹ thuật tuyến huyện được tăng lên 12%, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi mà không cần lên tuyến trên...
"Thành công đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh đó, có 9 BV huyện được xây mới, ký kết hợp tác với các BV tuyến Trung ương để hỗ trợ. Do đó, Chính phủ tập trung hỗ trợ, đầu tư cho y tế tuyến huyện để các tỉnh mạnh dạn đầu tư. Bộ Y tế mạnh dạn đề nghị các BV tuyến Trung ương phụ trách 1 hoặc 2 BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, qua đó nâng cao năng lực của y tế cơ sở”- ĐB Hiếu phân tích.
Quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa
Theo ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An), từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể tại các nghị quyết, chương trình, đề án quan trọng về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN.
Qua báo cáo cho thấy, nhiều chỉ số của Việt Nam do các tổ chức quốc tế đánh giá công bố năm 2023 được thăng hạng như: Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp hạng 46/132 quốc gia về nền kinh tế chỉ số đổi mới toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được triển khai trên diện rộng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi và minh bạch hơn…
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT qua thực tiễn đánh giá cũng như qua phản ánh của người dân, DN vẫn còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc như trong Báo cáo đã nêu. Do đó, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết TTHC; tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của VCCI. Đồng thời, phải hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật song song với thực hiện cải cách TTHC. “Để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất cho xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số, việc xây dựng các CSDL này ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải xác định theo nguyên tắc đồng bộ, tích hợp và chia sẻ được với nhau”- ĐB Dung đề nghị.
Quan tâm tới vấn đề cải cách TTHC, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho biết, Chính phủ đã có báo cáo riêng về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về TTHC. Theo đó, hơn 18% quy định đã được cắt giảm và đơn giản hoá, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 tăng lên 13 bậc so với năm 2022...
Tuy nhiên, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ hoàn thành việc phân cấp TTHC theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đạt được 29,5%. Quá trình triển khai xây dựng, khai thác, ứng dụng, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư trong TTHC còn nhiều khó khăn. Hiện có 5 tỉnh, thành, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương chưa thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Nhấn mạnh việc thực hiện TTHC trong quá trình chuyển đổi số gặp nhiều hạn chế do CSDL chưa liên thông và chưa đồng bộ, ĐB đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, cắt giảm những TTHC không cần thiết, đồng thời thực hiện đồng bộ những giải pháp Chính phủ đã đề ra trong Báo cáo, cũng như kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách TTHC.
Tăng trưởng kinh tế đạt 5,66%- cao hơn cùng kỳ năm trước
Góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2023, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, một số chỉ tiêu có biến động tích cực hơn như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng; tỷ lệ huy động nguồn NSNN; thu NSNN; thu hút vốn đầu tư… nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả cao ở những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66%- cao hơn cùng kỳ năm trước.
Phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội
Theo ĐB Tiến, đây là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các quý sau của năm; đồng thời tăng ở cả 3 khu vực và nông lâm thủy sản tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng đã khảng định nền kinh tế đang có sự phục hồi.
"Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 3,93%- thấp hơn so với cùng kỳ và là năm thứ 9 liên tiếp kiểm soát được lạm phát. Song, thách thức về tăng trưởng những tháng cuối năm 2024 rất lớn, ngay cả khi cả năm đạt mục tiêu, thì vẫn khó đạt được mục tiêu 5 năm tăng 6,5-7%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,93%, tiến sát tới ngưỡng thấp nhất Quốc hội cho phép và chỉ số này khó đạt được mục tiêu, bởi đến 1/7 thực hiện cải cách tiền lương cùng với sự tăng giá của một số mặt hàng…”- ĐB Tiến chỉ rõ.
Bên cạnh những thành quả đáng trân trọng, ĐB Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và DTTS đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ, song qua giám sát và nắm tình hình đời sống của đồng bào DTTS cho thấy còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Theo đó, chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp ở vùng khó khăn và ĐBKK. Mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên, nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của nhân dân…
Từ thực trạng trên, ĐB Đôi đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng DTTS và miền núi; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn.
Nhất trí với ý kiến nhiều ĐB, song ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nêu rõ, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm: Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức, hoạt động của DN còn nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân còn chậm, thị trường bất động sản khó khăn; tình trạng quá tải của các BV tuyến trên, thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở y tế vẫn diễn ra; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS còn nhiều khó khăn, bất cập; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công chậm được ban hành…
Những vấn đề này cần được Chính phủ quan tâm chỉ đạo và sớm có giải pháp khắc phục. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn việc triển khai thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.
Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn cung ứng, không để tăng giá đột biến những loại hình dịch vụ và mặt hàng thiết yếu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện, sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, quy định về điện áp mái. Có cơ chế thu hút xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, y tế. Tập trung xử lý khó khăn về mặt pháp lý, bố trí nguồn lực đầu tư để BV Việt Đức và BV Bạch Mai cơ sở 2 sớm đi vào hoạt động...
Vũ Thu (TC BHXH)
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
Chương trình "Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có ...
BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025
Tháng 5 - Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân
Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn ...