Đoàn Giám sát Hội đồng quản lý BHXH làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh

23/11/2023 08:13 PM


Chiều 23/11, Trưởng Đoàn Giám sát Hội đồng quản lý (HĐQL) BHXH đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH đã có buổi làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phần tham gia đoàn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa; lãnh đạo một số trực thuộc BHXH Việt Nam; Văn phòng HĐQL BHXH; thành viên Tổ giúp việc HĐQL BHXH, gồm đại diện: Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH. Về phía TP.Hồ Chí Minh có: Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức; lãnh đạo BHXH Thành phố và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường phát biểu tại buổi giám sát

Phát biểu mở đầu Buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Cường cho biết, thực hiện Kế hoạch số 689/KH-HĐQL của HĐQL BHXH, từ ngày 22 - 23/11, Đoàn HĐQL BHXH giám sát về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh với BHXH Thành phố, Bệnh viện ký hợp đồng KCB BHYT và doanh nghiệp để khảo sát, nắm bắt tình hình tực tiễn, tổ chức thực hiện, giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT và chiều nay Đoàn cóvBuổi làm việc với UBND TP.Hồ Chí Mith, kết thúc Chương trình.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, UBND Thành phố và các Sơ, ngành báo cáo về công tác thực hiện triển khai chính sách về BHXH, BHYT trên địa bàn; đặc biệt là công tác phối hợp giữa BHXH Thành phố với các Sở, ngành trong quá trình tổ chức, tham mưu, đề xuất về chính sách BHXH, BHYT; tập trung chính vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các phương hướng chính sách đều tiết vĩ mô nếu có trong công tác này. “Từ những thông tin giám sát, nắm bắt thực tiễn, Đoàn sẽ có kết luận, kiến nghị theo thẩm quyền gửi các cấp Bộ Ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những hạn chế về cơ chế chính sách và những tồn tại để từ đó công tác an sinh nói chung trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn” - đồng chí Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện các chính sách BHXH, BHYT

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho biết, TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại diễn ra sôi động với nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thu hút lực lượng lao động lớn từ các tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, Thành phố có hơn 9 triệu người dân, lực lượng lao động hơn 4,6 triệu người là một thị trường lao động lớn. Vì vậy, thời gian qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, Thành phố luôn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho Nhân dân và người lao động được tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND Thành phố, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn. Giai đoạn 2021-2023, Thành phố ban hành gần 60 văn bản chỉ đạo chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Các văn bản tập trung vào nội dung: đôn đốc thu, giảm nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT; chỉ đạo UBND quận, huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu BHXH, BHYT cụ thể cho các xã, phường, thị trấn để triển khai thực hiện.

Hiện nay, 100% thành phố Thủ Đức, quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Các Ban chỉ đạo đều ban hành quy chế hoạt động, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các thành viên.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách chung, những năm qua, Thành phố cũng có nhiều các chính sách riêng trong hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT. HĐND Thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết để hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo theo chuẩn Thành phố, dùng nguồn vốn ngân sách  và nguồn vốn hợp pháp khác (từ huy động, vận động) để mua thẻ BHYT cho các đối tượng. Trong năm 2022, toàn Thành phố đã hỗ trợ cho 121.704 người tương ứng số tiền là 93,69 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2023 đã hỗ trợ cho 119.773 người tương ứng số tiền là 76,3 tỷ đồng.

Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh Lò Quân Hiệp báo cáo tại buổi làm việc

Về những kết quả cụ thể trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tại buổi làm việc, ông Lò Quân Hiệp - Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh đã có báo cáo, đánh giá. Theo đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN của Thành phố tăng đều qua các năm; đạt và vượt kế hoạch được BHXH Việt Nam giao. Hiện nay, Thành phố có trên 121.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT với số người tham gia BHXH hơn 2,5 triệu người, BHYT gần 8 triệu người. Số chi BHXH, BHTN, BHYT bình quân 1 tháng gần 5.000 tỷ đồng.

Công tác thu BHXH, BHYT, BHTN luôn hoàn thành chỉ tiêu thu, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 8% đến 15%. Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người dân. Kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết hưởng chế độ BHXH, BHTN. Ngăn chặn tình trạng lạm dụng gây thất thoát quỹ BHXH, BHTN. Tăng cường chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ và BHXH Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành BHXH được triển khai quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Trao đổi, tháo gỡ khó khăn, định hướng thực hiện

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành: LĐ-TB&XH, Y tế, Tổng Liên đoàn lao động; Thanh tra, Công an của TP.Hồ Chí Minh cũng thông tin, trao đổi về các vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời có một số đề xuất, kiến nghị đến HĐQL BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Tổng hợp ý kiến từ các Sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan Trung ương, giúp Thành phố thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Thành phố chia sẻ, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho đông đảo người dân, người lao động luôn là nhiệm được Thành phố quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và BHXH Thành phố chuẩn bị nội dung để UBND trình HĐND bổ sung các chính sách hỗ trợ người dân tham gia các chính sách này được nhiều và sớm hơn. Thời gian qua, có tình trạng gia tăng người nhận BHXH 1 lần trên địa bàn, đây là vấn đề đáng quan tâm. “UBND Thành phố đề nghị các cơ quan Trung ương qua nghe ý kiến của địa phương và toàn quốc cần có những đề xuất, phương án xây dựng Luật BHXH thật tốt, hạn chế những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến chính sách BHXH trong dài hạn; đồng thời cũng có những thay đổi để người dân tích cực tham gia các chính sách, không cần đến sự hỗ trợ từ chính quyền” - ông Đức chia sẻ.

Trong KCB BHYT, ông Đức cho biết, hơn 50% ca bệnh của Thành phố là từ các tỉnh, thành khác chuyển đến, hầu hết là tình trạng nặng nên tổng chi phí thường chiếm đến 70% chi phí sử dụng quỹ BHYT. Vì vậy, Thành phố thường khó cân đối được dự toán được giao. Ông Đức đề nghị, cần có cơ chế đặc thù cho ngành y tế của Thành phố; UBND sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa giữa Sở Y tế, cơ quan BHXH tăng cường kiểm soát các cơ sở y tế có sự gia tăng chi phí; đẩy mạnh truyền thông và tăng cường ứng dụng CNTT để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng, lãng phí trong sử dụng quỹ BHYT, xử lý nặng các trường hợp vi phạm.

Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn còn lớn, phức tạp nhưng các chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ sức răn đe, ông Đức kiến nghị, các cơ quan Trung ương cần sớm sửa đổi, xây dựng các quy định, chế tài mạnh hơn.

Qua báo cáo của UBND Thành phố và ý kiến của các Sở, ngành, các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam gồm: Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến đã trao đổi, thông tin thêm; giải đáp một số kiến nghị; đồng thời đề nghị, UBND Thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển người tham gia; quản lý chi phí KCB BHYT, sử dụng thuốc, vật tư y tế; kết nối, liên thông dữ liệu giữa các Sở, ngành trong thực hiện các chính sách…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đánh giá cao sự chỉ đạo của UBND TP.Hồ Chí Minh thời gian qua trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; cũng như sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các Sở, ngành địa phương trong công tác này. TP.Hồ Chí Minh là địa phương có số thu BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất cả nước, là đầu tàu quan trọng của Ngành. Số người tham gia BHXH bắt buộc của Thành phố đang ở mức cao chiếm trên 54% lực lượng lao động; giải quyết kịp thời các chế độ cho người tham gia, nhất là áp dụng hình thức chi trả qua ATM mang lại nhiều thuận tiện; đảm bảo quyền lợi KCB BHYT của người dân; không ngừng cải cách hành chính, chuyển đổi số…

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng đánh giá, Thành phố còn không ít thách thức trong lĩnh vực này như: Số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp; BHYT cần phát triển số lượng rất lớn nữa mới hoàn thành chỉ tiêu năm; số vượt dự toán chi KCB BHYT lớn…

Vì vậy, thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa mong muốn, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc của tất cả các Sở, ngành; cần xây dựng cơ chế đặc thù của Thành phố để hỗ trợ thêm cho người dân khó khăn tham gia BHXH, BHYT; tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp ngày càng thực chất, hiệu quả nhất là ở cấp xã; sử dụng hiệu quả nguồn quỹ KCB BHYT, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong sử dụng thuốc, vật tư y tế; khẩn trương chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ tham gia BHYT theo Nghị định 75/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành…

Kết luận Buổi làm việc, thay mặt Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành TP.Hồ Chí Minh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thời gian qua. Những kết quả Thành phố đát được là rất lớn. Qua báo cáo số thu của BHXH Thành phố đang bằng khoảng 20 tỉnh cộng lại, trong khi đội ngũ cán bộ ít, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, UBND Thành phố tiếp tục quan tâm, có cơ chế, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của BHXH Thành phố yên tâm công tác.

Từ báo cáo và các ý kiến phát biểu, đồng chí Nguyễn Văn Cường chia sẻ, hiện nay, Thành phố có khoảng 9 triệu dân với khoảng 4,6 triệu người trong độ tuổi lao động; trong đó có gần 2,6 triệu người tham gia BHXH, cho thấy “dư địa” còn rất lớn. Mặc dù độ bao phủ BHXH của Thành phố đã vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương nhưng chỉ tiêu của Chính phủ và Ngành giao thì chưa đạt.

Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, BHXH Thành phố khẩn trương tham mưu UBND Thành phố trình HĐND có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, học sinh – sinh viên… được tham gia, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng nhiều và bền vững, lâu dài.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về lĩnh vực BHYT, từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố có hơn 16,8 triệu lượt người KCB BHYT, dự kiến hết năm 2023, con số này khoảng 18 triệu lượt, cho thấy tần suất KCB trên địa bàn đang ở mức cao hơn bình quân chung toàn quốc. UBND Thành phố cần chỉ đạo các Sở, ngành liên quan có giải pháp để kiểm soát vấn đề chuyển tuyến; tăng cường công tác giám định, phát hiện, cảnh báo các trường hợp chi sai quy định, sử dụng thuốc, vật tư không cần thiết; sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở một số cơ sở y tế trên địa bàn.

Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN của Thành phố hiện là 7,54% số phải thu, cao hơn bình quân chung cả nước. UBND Thành phố cần tập trung vào công tác thanh tra; chỉ đạo các cơ quan thanh tra của Thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Y tế, Công an, BHXH cùng vào cuộc; đối với các đơn vị sử dụng lao động có số lao động lớn cần có các giải pháp hữu hiệu sàng lọc, ngăn chận các hành vi trốn đóng, trục lợi hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động; phối kết hợp liên ngành, bố trí đủ nhân lực, tần suất để việc thực hiện thanh, kiểm tra đáp ứng các đòi hỏi về thực hiện nhiệm vụ với tình hình thực tiễn.

Về tình trạng rút BHXH 1 lần trên địa bàn lớn, UBND Thành phố cần tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến cơ sở để người dân hiểu rõ tính ưu việt, yên tâm về chính sách.

Từ Báo cáo của BHXH Thành phố cho biết qua rà soát dữ liệu của cơ quan Thuế và Sở Kế hoạch - đầu tư đã phát hiện nhiều doanh nghiệp hình thành mới và từ đó phát triển lượng lớn Lực lương lao động trong độ tuổi được tham gia BHXH, BHYT. Thời gian tới, Thành phố cần chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác chia sẻ, rà soát và ứng dụng công nghệ thông tin liên ngành trên địa bàn để đáp ứng đòi hỏi về phát triển kinh tế xã hội, nhất là TP.Hồ Chí Minh là địa phương có sự biến động lao động rất lớn việc đối soát dữ liệu Thuế với dữ liệu ngành BHXH cũng cần được tăng cường, nghiên cứu chia sẻ sớm hơn trước các kỳ quyết toán thuế.

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường cũng tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của UBND Thành phố và các đơn vị thuộc sở, ban ngành của Thành phố tại Buổi làm việc; đồng thời chỉ đạo Văn phòng HĐQL BHXH tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của Thành phố, thực hiện tham mưu theo thẩm quyền trình HĐQL xem xét, quyết định theo phân công, phân nhiệm hoặc gửi cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết./.

PV