Công tác Chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Ngành BHXH Việt Nam: Mang lại lợi ích toàn diện về xã hội, kinh tế

21/07/2023 02:06 PM


Sáng 21/7/2023, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ TT-TT, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH.

Tham dự Hội nghị về phía ngành BHXH Việt Nam có: Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu; Đào Việt Ánh; Chu Mạnh Sinh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến BHXH 63 tỉnh, thành phố; điểm cầu BHXH cấp huyện trên toàn quốc.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Mang lại lợi ích toàn diện

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, BHXH Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành, có sự phối hợp rất sớm, thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn phối hợp, hỗ trợ nhiều bộ ngành, địa phương vì mục tiêu chung. Với các dịch vụ công của Ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam cho biết, là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thường xuyên tương tác, giao dịch và phục vụ hầu hết người dân; do vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng, kết nối, liên thông CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác; rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; thực hiện số hóa hồ sơ, đơn giản hóa các TTHC; ứng dụng công nghệ mới… được BHXH Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu quả quản lý của Ngành BHXH Việt Nam”.

Theo đó, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về Bảo hiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp DVC trực tuyến; tiến tới 100% DVC trực tuyến trên môi trường số. Cung cấp DVC trực tuyến trên nhiều nền tảng, hình thức, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các CSDL nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, DN khi giao dịch với cơ quan BHXH. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm ATTT mạng như ban hành quy định, quy chế về công tác ATTT…

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nhấn mạnh đến trọng tâm việc chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam thời gian qua là việc triển khai Đề án 06, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đây là là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, DN, các cơ quan trung ương, địa phương.

“Qua 1,5 năm triển khai, Đề án đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực, được người dân, DN, các ngành, các cấp thụ hưởng. Đây là tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo Tổ công tác đề án 06 của Chính phủ”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.

Tiếp tục chia sẻ, kết nối dữ liệu cung cấp thêm nhiều tiện ích

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện BHXH Việt Nam triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% CCVC và NLĐ của Ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được thống nhất; có kết nối, liên thông để gửi/nhận văn bản với các đơn vị, tổ chức; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; hơn 620 nghìn DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử. Đến nay, toàn quốc có gần 30 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt, hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.

BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ tiên phong trong việc triển khai tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 45 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 87% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).

Điểm cầu BHXH Việt Nam

Tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 91% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

Thực hiện thí điểm 2 TTHC liên thông, tính đến ngày 15/7/2023, BHXH 2 địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 45.534 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.576 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm DVC liên thông. Với việc thực hiện 1 lần được 3 TTHC, đã giúp tiết kiệm 1,6 tỷ đồng chi phí tuân thủ TTHC cho người dân.

Tại Hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế; lãnh đạo một số địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố, cơ sở y tế đã tham luận đánh giá thêm một số kết quả trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của ngành BHXH Việt Nam; đồng thời cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp trong phối hợp, tổ chức thực hiện các công tác này thời gian tới.

Biểu dương và đánh giá cao các kết quả đã đạt được của BHXH Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 cũng như ứng dụng công nghệ mới trong thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc- Tổ phó thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ nhận định, BHXH Việt Nam là đơn vị gương mẫu, đi đầu, triển khai rất tốt các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ. Điển hình như kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu; triển khai dịch vụ công; triển khai ứng dụng CCCD gắn chip có tích hợp xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và TNHS, trả kết quả giải quyết TTHC...

“BHXH Việt Nam đã chủ động, đồng hành cùng với Bộ Công an trong thực hiện thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc xác thực CSDL về dân cư để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Theo Thứ trưởng, thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều Bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm CSDL quốc gia. “Với các dịch vụ công của Ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Một số điểm cầu tại Hội nghị

Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm BHXH Việt Nam đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc hi vọng BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công Đề án 06, góp phần chuyển đổi số, tạo ra thêm nhiều giá trị phục vụ Nhân dân.

Thay mặt Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trân trọng cảm sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 mà ngành BHXH Việt Nam được giao.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: “Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN, là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới”.

Theo đó, 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tiếp theo, BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác thực, chia sẻ, liên thông và hoàn thành tất cả nhiệm vụ, mục tiêu được giao đảm bảo chất lượng và thời gian. Tiếp tục duy trì và mở rộng hạ tầng số, ứng dụng các công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn, đặc biệt chú trọng triển khai các giải pháp bảo đảm anh ninh, an toàn thông tin cho các Hệ thống thông tin Ngành BHXH Việt Nam./.

PV