BHXH Việt Nam: Kiên định, vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ

28/06/2023 02:25 PM


Sáng 28/6, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì buổi họp với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ. Tham dự buổi họp có các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đào Việt Ánh, Chu Mạnh Sinh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH TP. Hà Nội.

Tăng cường các giải pháp tăng thu, giảm nợ

Tại buổi họp, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Đinh Mai Long đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, toàn Ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, dự thảo nghị định, thông tư liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT như: Luật BHXH, Luật BHYT (sửa đổi); Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;… Xây dựng, hoàn thiện các văn bản báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành.

BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các đơn vị trong Ngành như: Quyết định ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm toán nội bộ năm 2023. Công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác thu, thanh tra, kiểm tra, tài chính kế toán, truyền thông, giải quyết chế độ chính sách đạt nhiều kết quả tích cực.

Về các chỉ tiêu chung, tính đến ngày 30/6/2023, toàn quốc có trên 17,4 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 662 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,998 triệu người, tăng 499 nghìn người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,487 triệu người, tăng 163 nghìn người. Về số người tham gia BHTN, toàn quốc có hơn 14 triệu người; tăng 495 nghìn người so với cùng kì năm 2022. Số người tham gia BHYT là 90,897 triệu người; tăng 4,358 triệu người so với cùng kì năm 2022, đạt 91,86% dân số. Lũy kế đến ngày 30/6/2023: Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 220.688 tỷ đồng; tăng 21.398 tỷ đồng so với cùng kì năm 2022.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi họp với lãnh đạo các đơn vị.

Bên cạnh kết quả đạt được, tại buổi họp, lãnh đạo một số đơn vị, BHXH TP.Hà Nội đã phát biểu, nêu các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nêu giải pháp thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Về tình hình phát triển người tham gia, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào đánh giá, trong bối cảnh chung của nền kinh tế - xã hội cả nước hết sức khó khăn, các chỉ tiêu của Ngành đều tăng nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Về số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT không ít địa phương có dấu hiệu giảm sâu. Hiện Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ đã yêu cầu các địa phương bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam; xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm; tham mưu chính quyền địa phương giao chi tiêu đến từng quận huyện, ban hành các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên không nên dàn trải mà cần tập trung vào những nhóm lớn, đã được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Về vấn đề thu, nợ, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào cho biết BHXH Việt Nam đã ban hành quy chế quản lý tiền đóng, đồng thời gắn chặt quản lý, trách nhiệm của các đại lý thu trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các Ban chỉ đạo về thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong phát triển BHXH, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào đã yêu cầu BHXH các địa phương đẩy mạnh phối hợp với việc rà soát dữ liệu từ ngành thuế; phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm rõ thực trạng sử dụng lao động trên địa bàn; tập trung truyền thông, vận động vào một số nhóm người tham gia còn nhiều “dư địa” như: giáo viên mầm non, người làm việc theo hợp đồng tại các hội đoàn thể… Trong phát triển BHXH tự nguyện, BHYT, cần thường xuyên gửi danh sách người tham gia đã đến hạn đóng đến các tổ chức dịch vụ thu để thông tin, tuyên truyền, vận động; đồng thời có các hình thức truyền thông phù hợp với tình hình địa phương.

Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào cũng cho biết việc ứng dụng CNTT trong tự động hóa dữ liệu là một trong những giải pháp “cốt lõi” để phát triển bền vững người tham gia. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những hành vi trục lợi, trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời nâng cao cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID, nâng cao truyền thông trong nhận thức của người dân với các chính sách an sinh xã hội của nhà nước…

Về lĩnh vực BHYT, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết đã chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện dự toán và thanh toán chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT; công tác tham gia đấu thầu thuốc, quản lý, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc BHYT… đồng thời đề nghị, BHXH các địa phương tăng cường phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đảm bảo các cơ sở KCB không thiếu thuốc phục vụ công tác KCB và không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Nêu giải pháp về lĩnh vực trong thời gian tới, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết Ban Chính sách BHYT đã phân tích đánh giá, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố, tập trung theo dõi, quản lý các cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở tại các địa phương đông doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, lập danh sách những đơn vị có hành vi trục lợi để tiến hành xử lý theo pháp luật. Về công tác giám định, ông Phúc cho biết đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện đúng quy trình giám định BHYT mới được tập huấn; việc cập nhật liệu cần đảm bảo tiến độ và chất lượng; tăng cường phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đảm bảo, tăng cường quyền lợi cho người KCB BHYT.

Liên quan đến tình trạng cấp khống giấy nghỉ ốm đau, thai sản, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ cho biết BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản tới các tỉnh, thành phố để chỉ đạo, trong đó tăng cường việc kiểm tra, rà soát dữ liệu, qua đó tránh tình trạng trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Vụ Thanh tra - kiểm tra cũng cho biết sẽ tập trung việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ BHXH một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tế…

Kiên định trong thực hiện nhiệm vụ

Chỉ đạo tại buổi họp, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá, công tác thu, phát triển người tham gia của Ngành đang gặp không ít khó khăn do những tác động của nền kinh tế và thay đổi chính sách đòi hỏi cần phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện công tác này. Về giải pháp, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết cần bám sát công tác phối hợp với các sở ngành liên quan để làm rõ dữ liệu người tham gia, qua đó tìm ra các nhóm đối tượng, doanh nghiệp cần truyền thông, vận động; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tham mưu để giao chỉ tiêu phát triển người tham gia, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện đến các cấp cơ sở. Phó Tổng Giám đốc cũng đê nghị cần phải tập trung vào kiểm soát chi phí KCB BHYT theo hướng hợp lý, đồng thời đặt ra các kịch bản cụ thể trước những rủi ro trong lĩnh vực này.

Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh đề nghị Trung tâm Công nghệ Thông tin sớm hoàn thiện, xây dựng và cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu người tham gia.

Nhận định những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khó khăn cho ngành BHXH Việt Nam khi cả nền kinh tế cũng đón nhận khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành phải nắm chắc, bám sát thực tiễn để có phản ứng kịp thời. Tổng Giám đốc đề nghị các đơn vị cần kiên trì, kiên định với các mục tiêu đặt ra, trong đó phải có kịch bản phù hợp, sát thực tế, với nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo độ bao phủ như kế hoạch đặt ra.

Đồng thời, cần xây dựng các quy trình phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, trong khó khăn chung, việc giải quyết chế độ chính sách phải luôn đảm bảo thuận lợi nhất; tăng cường đẩy mạnh phát triển chính sách BHXH tự nguyện; xây dựng tiêu chí đánh giá việc chậm đóng, trốn đóng trong công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam; đồng thời việc kiểm soát chi phí KCB BHYT cần được thực hiện hiệu quả và luôn chú trọng quyền lợi người bệnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lãng phí...

Về các nhiệm vụ cụ thể, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời rà soát, nhận diện các rủi ro mà diễn biến thực tiễn hiện nay có thể xảy ra, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp trong triển khai nhiệm vụ.

Tổng Giám đốc cũng yêu cầu phát huy hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông để người dân nhận thức rõ các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, hướng dân người dân sử dụng ứng dụng VssID, phát huy hiệu quả sử dụng CSDL quốc gia về bảo hiểm; tối ưu hóa các DVC về BHXH, BHYT…

Nhấn mạnh yêu cầu về kỷ cương, kỷ luật, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai các nội dung công việc, trong đó nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đặt ra./.

PV