BHXH các địa phương: Tập trung tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHYT

16/06/2023 08:47 AM


Xác định mở rộng người tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam, nên thời gian qua, BHXH các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn và hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Tại Lạng Sơn:

Thống kê của BHXH tỉnh Lạng Sơn cho thấy, đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh có 66.795 người tham gia BHXH (chưa bao gồm số người dân có hộ khẩu tại tỉnh đi làm việc ở tỉnh khác) và đạt 20,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, toàn tỉnh còn thiếu 24,8% (khoảng 81.961 người) so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra.

Hội nghị tuyên truyền BHXH, BHYT tại huyện Cao Lộc

Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện là 12.801 người, chiếm 3,87% lực lượng lao động trong độ tuổi- vượt 1,37% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 trong Nghị quyết số 28-NQ/TW; còn thiếu 19,8% (khoảng 65.436 người) so với chỉ tiêu trong Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Lạng Sơn. Nếu tính thêm trên 56.537 NLĐ của tỉnh làm việc ở tỉnh khác, thì tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH tại Lạng Sơn khoảng 37,32% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Về BHYT có 689.601 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 85,98% dân số (chưa bao gồm số người có hộ khẩu tại tỉnh đang tham gia BHYT tại các tỉnh khác). Trong đó có 82.857 HSSV tham gia BHYT theo diện nhà trường (đạt 99,98%). Như vậy, toàn tỉnh còn thiếu 8,07% (khoảng 64.728 người) so với chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg; chỉ tiêu xã hội trong Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Lạng Sơn (94,05%). Nếu tính thêm trên 59.174 người dân của Lạng Sơn tham gia BHYT ở tỉnh khác, thì tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 93,3% dân số.

Để đạt được kết quả trên, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5/2023, Lạng Sơn có 8 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH mới với 21 NLĐ; nếu tính từ đầu năm thì số đăng ký mới là 68 đơn vị với 395 NLĐ. Thông qua 20 đơn vị do Cục Thuế cung cấp với 249 NLĐ, cơ quan BHXH rà soát có 219/249 NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc; 28/249 NLĐ chưa tham gia; tuy nhiên qua đối chiếu, xác minh cho thấy hầu hết NLĐ đã nghỉ việc và không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc...

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT giảm so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do đa phần người dân không có việc làm ổn định, thu nhập giảm, bấp bênh, nên số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới không đủ bù đắp số người dừng tham gia, dẫn đến tăng trưởng âm so với năm 2022. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như chính sách quản lý chặt vùng biên của phía Trung Quốc dẫn tới nhiều người dân không có việc làm, thu nhập giảm nên không có điều kiện để tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022 tăng hơn 2 lần, nên nhiều người đang tham gia BHXH tự nguyện gặp khó khăn về kinh tế.

Bên cạnh đó, đặc thù các DN của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, hoạt động kinh doanh dịch vụ là chính, cũng như tỉnh không có các KCN lớn... nên ảnh hưởng đến công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Do đó, để phát triển số người tham gia, cơ quan BHXH tiếp tục làm việc với UBND các xã, phường để rà soát số người chưa tham gia, tổ chức hội nghị khách hàng, phát triển người tham gia; rà soát, xác minh tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng BHXH; phối hợp với tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu về DN do Sở KH-ĐT và Cục Thuế cung cấp để phát triển người tham gia BHXH bắt buộc; phối hợp với các đơn vị có liên quan khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu người chưa tham gia trên địa bàn phục vụ cho công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ mức đóng BHYT cho hộ nông- lâm- ngư nghiệp.

Tại Quảng Nam: 

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác thông tin, tuyên truyền như sau:

Thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT. Chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 27/2/2018 của Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; Chương trình số 17-CTr/TU ngày 25/10/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ trọng tâm về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Thông tin các chỉ tiêu về phát triển số lượng người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BHYT; chỉ tiêu về bao phủ BHYT; tuyên truyền, vận động NLĐ, người dân tham gia BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Kịp thời thông tin việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới, trọng tâm là phát triển người tham gia, giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia; các hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với người SDLĐ, NLĐ, nhân dân; thông tin kết quả các hoạt động KCB BHYT, việc sử dụng quỹ BHYT, sử dụng kinh phí KCB BHYT; quyền lợi, sự hài lòng của người bệnh khi KCB BHYT. Đặc biệt, chú ý kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu, hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực như: Mở chuyên trang, chuyên mục, xây dựng phóng sự, chương trình phát thanh, truyền hình; tuyên truyền miệng; thi tìm hiểu về chủ đề này; đăng tải trên ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trực quan (pa nô, áp phích, băng rôn, bảng điện tử, triển lãm, xe lưu động...); thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, nhân dân tại khu dân cư... để tuyên truyền các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT.

“Đề nghị các cơ quan, đơn vị tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về BHXH, BHYT theo định hướng nêu trên; định kỳ báo cáo tình hình, kết quả công tác tuyên truyền cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy (thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) để theo dõi, chỉ đạo”- Công văn nêu rõ.

Tại Hà Nội:

BHXH quận Cầu Giấy (Hà Nội) và Hội LHPN quận vừa ký kết Quy chế phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT; đặc biệt tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận với chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo Quy chế, hằng năm, hai bên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tuyên truyền, vận động tại cơ sở.

BHXH quận chủ trì, phối hợp với Hội LHPN quận thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; kết quả thực hiện chính sách; phát hiện, giới thiệu những gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những kinh nghiệm, điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT...

BHXH quận cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu, tài liệu tuyên truyền cho Hội LHPN quận; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, cập nhật những quy định, chế độ chính sách mới về BHXH, BHYT cho cán bộ, hội viên thuộc Hội LHPN quận.

Về phía Hội LHPN quận, khi các Chi hội Phụ nữ phường hoặc các Tổ Phụ nữ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ…, sẽ phối hợp với cơ quan BHXH và các tổ chức dịch vụ thu đến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về các quy định của chính sách BHXH, BHYT. Tại các buổi sinh hoạt này, Hội Phụ nữ sẽ lan tỏa, vận động cán bộ, hội viên và người thân trong gia đình tham gia BHXH, BHYT, giúp họ được tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi về an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Lễ ký kết, bà Lê Kim Anh- Chủ tịch Hội LHPN TP.Hà Nội chia sẻ, Hội LHPN có mạng lưới sâu rộng đến từng ngõ phố, với hình ảnh những cán bộ phụ nữ gần gũi với người dân. Phụ nữ cũng thường là người “tay hòm chìa khóa” quản lý kinh tế, tài chính, quyết định việc chi tiêu trong gia đình. Vì vậy, BHXH quận Cầu Giấy chủ động phối hợp với Hội LHPN quận trong công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHYT là hoàn toàn đúng hướng. "Thực tế cho thấy, nhiều cấp hội ở nhiều địa phương đã phát huy những đặc thù, lợi thế này một cách hiệu quả"- bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.

Bà Trịnh Thị Dung- Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Hội LHPN quận và Hội LHPN của 8 phường trên địa bàn sẽ phát huy lợi thế, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT; từ đó vận động, thuyết phục người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bà Dung cũng đề nghị BHXH quận thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Quận ủy, HĐND, UBND quận về tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, với phương châm mọi khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời và ngay tại cơ sở, đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân.

Thông tin tại Lễ ký kết, đại diện BHXH quận Cầu Giấy cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhiều DN trên địa bàn chưa phục hồi bền vững, đời sống nhiều người dân, trong đó có phụ nữ chưa thực sự ổn định, nên chưa sẵn sàng và chủ động tham gia BHXH, BHYT… Đó cũng là những yếu tố bất lợi cho việc mở rộng bao phủ BHXH, BHYT, dẫn tới tốc độ phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn quận có xu hướng chững lại, thậm chí có thời điểm sụt giảm so với cuối năm 2022.

Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2023, quận Cầu Giấy có 415.257 người tham gia BHYT, đạt 92,31% kế hoạch; 170.316 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 93% kế hoạch; 2.348 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 64,15% kế hoạch. Toàn quận cũng đã thu BHXH, BHYT được 1.816,73 tỷ đồng, bằng 38,36% kế hoạch năm 2023. Đáng chú ý, vẫn còn 8.581 đơn vị, DN chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền 628,3 tỷ đồng, bằng 4,71% so với số phải thu.

PV