Đề án Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ngành BHXH theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015: Ý nghĩa thực tiễn cao

13/01/2023 02:00 PM


Sáng 13/1, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề án “Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ngành BHXH theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015” do Thạc sĩ Chu Mạnh Sinh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam làm Chủ nhiệm Đề án. Tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoà- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khẳng định, Đề án là cơ sở khoa học, mang ý nghĩa thực tiễn cao nhằm phục vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà – Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh Đề án là cơ sở khoa học, mang ý nghĩa thực tiễn cao trong lĩnh vực CCHC

Xây dựng HTQLCL ISO 9001:2015 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng đã nghe Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh – Chủ nhiệm Đề án trình bày các nội dung cơ bản của Đề án “Hoàn thiện Hệ thống quản lý chất lượng ngành BHXH theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015”. Theo đó, từ năm 2013, BHXH Việt Nam đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong giải quyết các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành và trong giải quyết công việc nội bộ ở các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện. Việc áp dụng hệ thống TCVN ISO 9001:2008 đã minh bạch các thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện các TTHC, giúp vận hành cơ chế một cửa có hiệu quả hơn, đồng thời, thúc đẩy việc nâng cao và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chất phục vụ của hệ thống BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thời gian qua còn nhiều bất cập, việc tự đánh giá theo quy trình, việc cập nhật HTQLCL chưa thường xuyên, đồng bộ nhất là trong giai đoạn BHXH Việt Nam có sự cắt giảm mạnh về số TTHC (từ 115 thủ tục giai đoạn 2012-2014 còn 27 thủ tục năm 2019). HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 của Ngành không còn phù hợp do sự thay đổi của chế độ chính sách, dẫn đến thay đổi các quy trình nghiệp vụ liên quan theo hướng cải cách TTHC, đồng thời việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC gắn liền với việc ứng dụng CNTT, thực hiện giao dịch điện tử nên thời hạn giải quyết TTHC được rút ngắn rất nhiều. Đặc biệt là việc chuyển đổi từ hình thức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của BHXH Việt Nam đang là một nhiệm vụ đòi hỏi từ thực tiễn nên cần thiết phải xây dựng HTQLCL ISO 9001:2015 để đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là quy trình liên quan đến giải quyết TTHC là một yêu cầu bắt buộc trong cải cách, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và tổ chức. Vì vậy trong công tác quản lý, điều hành phải phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình đối với từng đơn vị, cá nhân, đòi hỏi phải xây dựng HTQLCL mới với các bước quy trình cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch theo đúng quy định đang triển khai áp dụng…

Nhận định việc duy trì và cải tiến, hoàn thiện HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề cho việc xây dựng và hiện đại hóa Ngành BHXH Việt Nam, xây dựng chính phủ điện tử, ông Chu Mạnh Sinh cho rằng, việc nghiên cứu Đề án “Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ngành BHXH theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015” là một yêu cầu có tính thời sự, cấp bách hiện nay, nhất là khi BHXH Việt Nam bắt đầu tiến hành triển khai việc chuyển đổi HTQLCL của Ngành.

Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh- Chủ nhiệm Đề án trình bày nội dung của Đề án

Đánh giá về HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của BHXH Việt Nam, ông Chu Mạnh Sinh cho biết, đây là phiên bản mới nhất trong HTQLCL được nâng cấp từ TCVN ISO 9001:2008 với những thay đổi đột phá, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ; phục vụ tốt yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đảm bảo hơn nữa nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm trong quy trình giải quyết công việc.

Nhằm nâng cấp, chuyển đổi từ HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001: 2008 lên tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001: 2015 và triển khai, áp dụng HTQLCL ISO 9001:2015 đối với ngành BHXH Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Đề án cũng đưa ra một số giải pháp, cụ thể như sau:.

Thứ nhất, kiện toàn nhân sự, xây dựng kế hoạch và đào tạo về ISO như: Rà soát, kiện toàn thành phần Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu Chuẩn TCVN ISO 9001:2015; Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 của BHXH Việt Nam; thành phần Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 của BHXH 63 tỉnh, thành phố cho phù hợp với yêu cầu mới. Xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; Xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 của ngành BHXH Việt Nam; Xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 của BHXH địa phương.

Thứ hai, Nghiên cứu, lựa chọn và ký hợp đồng tư vấn, đào tạo với tổ chức tư vấn đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện tư vấn, đào tạo để hướng dẫn, hỗ trợ trong việc áp dụng phiên bản tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Đào tạo kiến thức và cách thức chuyển đổi HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015…

Thứ 3, Xây dựng HTQLCL theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của Ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, xây dựng mô hình khung HTQLCL theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 của Ngành BHXH Việt Nam; Xây dựng quy trình giải quyết công việc nội tại BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015…

Đề án là cơ sở khoa học, mang ý nghĩa thực tiễn cao

Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về các nội dung cơ bản; đồng thời thống nhất cao về sự cần thiết thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để Ban Chủ nhiệm có thể bổ sung, hoàn thiện áp dụng quy trình trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà – Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao Đề án đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ. Đề án cũng đã làm rõ được mặt lý luận, đánh giá hiệu quả việc triển khai Hệ thống quản lý chất lượng TCVN 9001:2015 của BHXH Việt Nam. Việc chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ trong Đề án, đặc biệt là quy trình liên quan đến giải quyết TTHC là một yêu cầu bắt buộc trong cải cách, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và tổ chức.

Theo Phó Tổng Giám đốc, Đề án là cơ sở khoa học, mang ý nghĩa thực tiễn cao nhằm phục vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH Việt Nam góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Toàn cảnh cuộc họp

Trên cơ sở ý kiến đánh giá, góp ý của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà yêu cầu các thành viên của Đề án tiếp thu và sớm hoàn chỉnh các nội dung, qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới.