Hội nhập kinh tế quốc tế: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới
21/12/2017 03:42 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới.
Các chuyên gia cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có một số bất cập, làm giảm hiệu quả của các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động chưa đồng bộ
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD lên 2.445 USD. Thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên tới 21,3 tỷ USD và đạt 64 tỷ USD vào năm 2008. Đến nay, Việt Nam thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong chiến lược tổng thể. Một số chương trình, hoạt động chậm được cụ thể hóa, hoặc cụ thể hóa mà không tính đến chiều cạnh tương ứng của hội nhập kinh tế quốc tế. Khả năng nhận định, đánh giá và dự báo về xu thế và diễn tiến hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Việc đánh giá thực hiện định kỳ kết quả hội nhập kinh tế quốc tế và tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên kết quả rất hạn chế. Cải cách trong nước, nhất là về mặt thể chế, vẫn chưa đáp ứng và chưa theo kịp các yêu cầu của việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đẩy mạnh quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế thì việc điều chỉnh chính sách trong không ít trường hợp còn chậm hoặc mang tính đối phó, chưa đồng bộ.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuần Anh, Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang vướng bởi các biện pháp phi thuế quan rất đa dạng và phức tạp của thị trường nước ngoài cũng như các thị trường cũng không giống nhau. Nguyên nhân nữa theo ông Nguyễn Đình Cung đó chính là chúng ta đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan, khi khối FDI đóng góp đến 3/4 kim ngạch xuất khẩu và đóng góp lớn vào tăng trưởng, nhưng lại không tạo ra được sự lan tỏa về công nghệ và khối doanh nghiệp FDI đang bỏ xa khối doanh nghiệp nội đang yếu ớt, manh mún.
Động lực quan trọng
Thứ trưởng Bộ Công thương, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Đỗ Thắng Hải cho rằng, năm 2018 là bước ngoặt hết sức quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đó là trong khuôn khổ ASEAN, bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế đối với 98% biểu thuế. Với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đây cũng là thời điểm hết thời hạn chuyển đổi và bắt đầu phải thực hiện cắt giảm thuế. Bởi vậy, bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, công tác điều phối để thực thi hiệu quả các hiệp định đã ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để có sự chuẩn bị phù hợp môi trường kinh doanh; có cơ hội đón nhận và tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các hiệp định, qua đó tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay và trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao, cùng với đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự bùng nổ của các công nghệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số... chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội và thách thức mới đối với các quốc gia trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. “Vấn đề đặt ra là các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải làm gì, phải phối hợp như thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn tới” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?