Các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu không đạt chỉ tiêu điều trị Methadone
21/12/2017 10:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam-Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo, các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm nếu không đạt được chỉ tiêu trong điều trị Methadone.
Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi
Việt Nam đã chứng minh được hiệu quả tương đồng
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại Mỹ từ năm 1965, đến nay có hơn 80 quốc gia trên thế giới đã triển khai. Thế giới không còn bàn cãi về hiệu quả của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Methadone nằm trong danh mục thuốc thiết yếu để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2005.
Tại Việt Nam, điều trị Methadone cũng đã chứng minh được hiệu quả tương đồng so với chương trình Methadone của các quốc gia khác trên thế giới. Ghi nhận một số kết quả chính của điều trị Methadone.
Cụ thể, chương trình đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 93,6% bệnh nhân sử dụng trên 3-5 lần/ngày. Tuy nhiên, sau 24 tháng điều trị Methadone, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
Bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị có tới trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng ma túy.
Những thay đổi tích cực về giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị như Viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 bệnh nhân nghiên cứu.
Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.
Chương trình đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90,3% trước điều trị xuống 2,27% sau 24 tháng điều trị.
Bên cạnh đó, chương trình còn mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone, trung bình một người bệnh tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (tức khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho 1 bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Hiện nay đang điều trị cho 52.818 bệnh nhân thì đã tiết kiệm được chi phí trực tiếp là khoảng 4.120 tỷ đồng/năm.
Mở rộng phát thuốc tại tuyến xã
Thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao về việc thực hiện chỉ tiêu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, các bộ ngành liên quan đã tiếp tục phối hợp, mở rộng phát thuốc tại tuyến xã, tổng số bệnh nhân chiếm 22% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị. Các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên có đến 40% -50% bệnh nhân uống thuốc tại xã. Bệnh nhân do ngành y tế điều trị chiếm chủ yếu (89,3%); ngành LĐTB&XH chiếm 10,37% và ngành Công an quản lý (tại Trại giam Phú Sơn 4) chiếm 0,33% tổng số bệnh nhân điều trị Methadone toàn quốc.
Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan, tính đến tháng 10/2017, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, với 299 cơ sở điều trị và điều trị cho 52.818 bệnh nhân, đạt 65,2% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1008/QĐ-TTg.
Có 13 tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu theo Quyết định, bao gồm: Đồng Tháp 228%, Lạng Sơn 167%, Bạc Liêu 150%, Thừa Thiên-Huế 140%, Lai Châu 120%, Sóc Trăng 116%, Quảng Nam 114%, Kon Tum 114%, Vĩnh Long 108%, Hà Giang 105%, Bến Tre 104%, Khánh Hòa 101%, Nam Định 100%.
8 tỉnh đạt số lượng bệnh nhân điều trị lớn nhất, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu điều trị được giao, bao gồm: TPHCM 64%, Hà Nội 57%, Hải Phòng 80%, Thanh Hóa 80%, Điện Biên 63%, Thái Nguyên 74%, Lào Cai 64%, Sơn La 23%.
Bên cạnh đó vẫn còn 10 tỉnh chỉ tiêu đạt thấp dưới 45% bao gồm, Hà Nam 43%, Hải Dương 43%, Đà Nẵng 38%, Bình Định 38%, Gia Lai 35%, Nghệ An 34%, Hậu Giang 33%, Quảng Trị 28 %, Sơn La 23% và Ninh Thuận 20%.
Điều trị Methadone còn gặp khó
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chưa hoàn thành chỉ tiêu điều trị Methadone được giao là do một số địa phương còn chưa chỉ đạo quyết liệt, điều phối liên ngành để thực hiện chỉ tiêu Chính phủ giao. Vai trò của cấp ủy, chính quyền đặc biệt là cấp huyện/thị nhiều nơi còn hạn chế, ỷ lại cấp trên, hoặc khoán cho ngành y tế, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp liên ngành nhất là Công an, Y tế và LĐTB&XH.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chưa thống nhất về nhận thức và áp dụng các qui định pháp luật đối với người nghiện ma túy ở một số địa phương. Việc áp dụng Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về qui định người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn có sự xung khắc với quan điểm “nghiện là một bệnh não mãn tính cần được điều trị lâu dài” đã được qui định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP, và Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đến năm 2020.
Một số địa phương vẫn còn áp dụng xét chọn bệnh nhân tham gia điều trị dù việc này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 90/2016/NĐ-CP; một số địa phương còn bắt bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều ra khỏi chương trình/đi cai nghiện bắt buộc do có xét nghiệm nước tiểu dương tính với chất dạng thuốc phiện là trái với quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP; một số còn có quan điểm nên đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện để làm sạch địa bàn...
Những vấn đề trên gây khó khăn cho người nghiện các các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị Methadone. Mặt khác, còn một số lượng không nhỏ người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, chưa nằm trong danh sách có hồ sơ quản lý, nhưng họ còn e ngại khi tiếp cận điều trị Methadone do lo sợ bị lộ danh tính sẽ bị kỳ thị, sợ bị bắt đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...
Công tác truyền thông về Methadone còn hạn chế. Công tác tuyên truyền vận động chưa quan tâm và đầu tư đúng mức. Các nội dung tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa sâu rộng đến bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và thậm chí còn có thông tin trái chiều về chương trình Methadone.
Bệnh nhân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và duy trì điều trị Methadone. Điều trị bằng Methadone là biện pháp điều trị lâu dài (thậm chí suốt đời), nên xuất hiện hiện tượng bệnh nhân bỏ trị do thiếu kiên trì. Một số bệnh nhân do ở khu vực miền núi, khoảng cách uống thuốc xa, đi lại khó khăn nên đã bỏ điều trị. Số liệu thống kê cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm 2017 có thêm 9.813 bệnh nhân mới vào điều trị, số bệnh nhân đang điều trị không còn tham chương trình là 8.067 bệnh nhân. Trong đó 10 tỉnh, thành phố có số bệnh nhân bỏ trị cao nhất với tổng số 4.036 bệnh nhân, chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhân bỏ trị của toàn quốc.
Ngoài những khó khăn trên, vấn đề lớn hiện nay là khó khăn về nguồn lực. Các cơ sở điều trị Methadone chủ yếu lồng ghép vào cơ sở y tế và sử dụng nhân lực sẵn có của ngành y tế (trừ một số ít tỉnh có bố trí thêm nhân lực). Do vậy, nhiều địa phương việc bố trí cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone còn gặp nhiều khó khăn, số kiêm nhiệm nhiều, luân phiên nên chất lượng phục vụ chưa cao.
Bên cạnh đó, cơ sở điều trị Methadone phải làm việc 365 ngày/ năm, do đó cán bộ phải làm ngoài giờ nhiều, môi trường làm việc phức tạp, nhiều áp lực, nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ không thỏa đáng. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ phục vụ và gắn kết với bệnh nhân.
Cần thống nhất quan điểm
Nhằm đạt được chỉ tiêu do Chính phủ giao về điều trị Methadone, ngành y tế kiến nghị, cần thống nhất quan điểm. Điều trị nghiện ma túy và dự phòng tái nghiện là vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài và là thách thức toàn cầu, hiện chưa có biện pháp nào là hoàn hảo. Do đó, phải lựa chọn phương pháp nào hiệu quả hơn và cũng phải chấp nhận những hạn chế.
Hội nhập quốc tế và bảo đảm nhân quyền, quan điểm của Việt Nam coi nghiện là một bệnh mãn tính cần được điều trị lâu dài (Điều 4 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP). Do vậy, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau Nghị định 90/2016/NĐ-CP cần thống nhất đồng quan điểm.
Ngành y tế kiến nghị Chính phủ, tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai mở rộng điều trị Methadone trên phạm vi toàn quốc, với những lý do chính như sau: Điều trị Methadone là phương pháp có hiệu quả cao (gọi là tiêu chuẩn vàng) cho điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Hiệu quả của điều trị đã được nhiều quốc gia trên Thế giới ghi nhận gồm: Làm giảm sử dụng ma tuý bất hợp pháp, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm tội phạm liên quan đến ma túy đồng thời còn đem lại các lợi ích về kinh tế và trật tự an toàn cho xã hội. Methadone nằm trong danh mục thuốc thiết yếu để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2005.
Hiện nay, nhu cầu điều trị Methadone trên toàn quốc còn cao. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, tính đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó 159.844 người nghiện CDTP (chiếm tới 75,8%), 20.778 người nghiện ma túy tổng hợp (chiếm 9,8%). Chưa tính đến số người nghiện còn tiềm ẩn trong cộng đồng lớn hơn nhiều do người nghiện không tự nguyện khai báo, chưa lộ diện và chưa thuộc diện có hồ sơ quản lý nên không có trong báo cáo thống kê. Trong khi đó, toàn quốc mới điều trị Methdone cho 52.818 người nghiện, chỉ đáp ứng 33% so với gần 160 nghìn người nghiện chất dạng thuốc phiện được báo cáo.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến nghiện ma túy tại Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan, tạo sự thống nhất chính sách, giải pháp ứng phó với vấn nạn ma túy.
Các địa phương quán triệt các sở, ngành và chính quyền các cấp để thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật về điều trị Methadone, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện tiếp cận các dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị.
Tăng cường chỉ đạo và đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chi phí vận hành cho các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone; bố trí ngân sách để thực hiện chế độ, chính sách theo quy định.
Hiện nay, do có sự thay đổi về tình hình nghiện tại các địa phương, nên các tỉnh, thành phố cần khẩn trương rà soát lại số người nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn để báo cáo Chính phủ và có kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Theo tiengchuong.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?