Còn nhiều rào cản trong tham gia BHXH tự nguyện
18/12/2017 12:13 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ 01/01/2018, chính sách BHXH có nhiều thay đổi với những quy định lần đầu tiên áp dụng. Những chính sách này tác động đến người dân, DN như thế nào? Phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
*Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, từ ngày 01/01/2018, người dân tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng. Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị nguồn hỗ trợ này như thế nào?
- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân: Hiện nay, cả nước có khoảng 221.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu của Chính phủ là mở rộng hơn nữa diện tham gia BHXH tự nguyện. Khoảng 23 triệu lao động nông nghiệp và gần 14 triệu lao động khu vực không chính thức là nhóm đối tượng tiềm năng. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn (700.000 đồng/người/tháng trở xuống - PV) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện là 1,3 triệu đồng/tháng). Để thực hiện mục tiêu đó, giải pháp là từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Về nguồn kinh phí, việc hỗ trợ tiền BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện do ngân sách địa phương đảm bảo; ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn. Nguồn kinh phí hỗ trợ còn được trích từ nguồn kết dư quỹ BHXH, từ nguồn cân đối khác và từ sự chia sẻ của các đối tượng tham gia.
Người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại Bưu điện trung tâm Bình Chánh, Tp.HCM.
* Với sự hỗ trợ này, liệu sẽ có một làn sóng nông dân, người làm nghề tự do, người nghèo tham gia BHXH tự nguyện?
- Dù có hỗ trợ của Nhà nước song tôi cũng chưa kỳ vọng có sự đột biến về người tham gia BHXH tự nguyện như tình trạng đã xảy ra với người tham gia BHYT. Hiện nay, có khoảng 78,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 84,2% dân số. Trong khi đó, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 221.000 người, chỉ chiếm 0,4% tổng lực lượng lao động và so với 13,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc thì cũng vẫn là con số khiêm tốn.
Sở dĩ tôi đánh giá chưa có chuyển biến ngay bởi với BHYT, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc hỗ trợ phần lớn nhưng BHXH tự nguyện thì hỗ trợ một phần, trong khi còn rất nhiều rào cản để tham gia BHXH tự nguyện. Một trong các rào cản là vấn đề tâm lý. Vì việc tham gia BHXH tự nguyện là cho nhiều chục năm sau. Một bộ phận người dân chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Các nước trên thế giới cũng gặp vấn đề tương tự. Do chưa có đột biến số người tham gia nên số tiền ngân sách dùng cho việc hỗ trợ cũng chưa nhiều.
Về lâu dài, chính sách BHXH tự nguyện đang và sẽ được điều chỉnh, khắc phục các hạn chế. Hiện nay, BHXH tự nguyện có thời gian đóng quá dài, 20 năm. Người dân muốn đóng BHXH tự nguyện nhưng nghĩ đến chặng đường đóng và 20 năm sau mới hưởng thì chưa quen, nhất là người lao động ở vùng nông thôn, lao động tự do, người nghèo. Thứ hai, trong khi người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (dài hạn gồm hưu trí, tử tuất; ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn, chưa giải quyết các chế độ ngắn hạn. Trên thực tế, các chế độ ngắn hạn lại thường được người lao động quan tâm. Vì vậy, sắp tới, chế độ BHXH tự nguyện cũng được điều chỉnh để linh hoạt hơn, tạo ra mức độ hấp dẫn hơn đối với người dân, cả lợi ích dài hạn và ngắn hạn.
* Cũng từ ngày 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu gặp nhiều thiệt thòi so với nghỉ hưu trước năm 2018 và so với nam giới. Động thái của Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này?
- Với nam giới, để được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%, sang năm 2018 cần 31 năm đóng BHXH, 2019 là 32 năm, 2020 là 33 năm, 2021 là 34 năm và từ 2022 trở đi là 35 năm, tức mỗi năm tăng 1 năm đóng BHXH. Trong khi đó, với nữ giới, để được hưởng mức lương hưu cao nhất 75%, từ năm 2017 trở về trước cần 25 năm đóng BHXH và từ năm 2018 trở đi, cần 30 năm đóng BHXH; nghĩa là thay đổi liền một lúc thêm 5 năm đóng BHXH, không có lộ trình như nam giới. Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này và đang đợi quyết định cuối cùng.
* BHXH với lao động người nước ngoài - một đối tượng tham gia BHXH hoàn toàn mới - cũng đã rất cận kề ngày thực hiện, trong khi DN vẫn còn không ít các nghi ngại về tính thiết thực của chính sách. Ông đánh giá việc triển khai thế nào?
- Trước đây, lao động người nước ngoài không được tham gia BHXH, từ năm 2018, họ được tham gia BHXH. Với lao động người nước ngoài, có 2 vấn đề: đảm bảo quyền lợi ngắn hạn và lâu dài, kể cả về nước thì được kết chuyển.
Bài toán đặt ra là nhiều DN lo lắng về 2 yếu tố. Thứ nhất, mức đóng BHXH ở Việt Nam có tỷ lệ cao, trong khi lao động người nước ngoài thường là cấp quản lý, có mức lương cao và mức lương này được thể hiện trong hợp đồng làm việc, nên DN băn khoăn sẽ phải bỏ ra chi phí đóng BHXH cao, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Thứ hai, lao động người nước ngoài có đóng BHXH ở nước sở tại rồi, khi sang Việt Nam làm việc - đa phần theo điều động nội bộ của DN - lại phải đóng BHXH lần nữa, tức là đóng BHXH 2 lần. Đó là các băn khoăn rất có lý, hợp lý của DN.
Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là xử lý, báo cáo Chính phủ về vấn đề này, làm sao cho hài hòa nhất lợi ích cả người lao động và lợi ích DN, cũng như đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đề xuất của bộ đưa ra theo hướng: Thứ nhất, việc lao động người nước ngoài tham gia BHXH phải triển khai. Tuy nhiên, đối tượng tham gia thì phải làm rõ, có thể điều chỉnh đối với lao động có hợp đồng 1 năm trở lên, còn mấy tháng thì không điều chỉnh. Thứ hai, ưu tiên thực hiện lộ trình, từ nay đến năm 2020 áp dụng các chế độ BHXH ngắn hạn trước. Thứ ba, phải ký kết các hiệp định song phương với các nước để tránh việc đóng trùng BHXH. Tức là, nếu người lao động đóng BHXH ở nước sở tại rồi, khi dịch chuyển sang Việt Nam sẽ không phải đóng tiếp (lần 2). Như vậy, sẽ đảm bảo lợi ích cho người lao động và cho DN.
Tuy nhiên, thời gian để ký được hiệp định như vậy với từng quốc gia thường mất khoảng 1 - 2 năm. Trên thực tế, người lao động là người Việt Nam, đang đóng BHXH ở Việt Nam nhưng sang làm việc một số nước thì vẫn phải đóng BHXH ở nước đó. Vì thế, quy định lao động người nước ngoài đóng BHXH cũng phù hợp với thông lệ và đồng thời qua chính sách này, khuyến khích các DN sử dụng lao động người Việt Nam nhiều hơn. Đây là chính sách đa mục tiêu./.
Theo SGGP
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?