Triển khai kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, định hướng năm 2018-2020
11/12/2017 09:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 11/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Triển khai kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, định hướng năm 2018-2020. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Uỷ viên Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội Lê Thị Yến; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; Bà Momoe Takeuchi, Đại diện Văn phòng tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam dự và phát biểu tại Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; BHXH Việt Nam; Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các Sở Y tế khu vực phía Bắc; lãnh đạo Bệnh viện khu vực phía Bắc; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trúng thầu tham dự Hội nghị...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, thuốc là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong thời gian qua, những đổi mới trong quy định về đấu thầu thuốc đã từng bước nâng cao cạnh tranh, minh bạch, tạo điều kiện cho quản lý chất lượng, giảm chi phí điều trị. Mặc dù vậy, thuốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi phí KCB nói chung và khám, chữa bệnh BHYT nói riêng. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 chiếm 48,3% trong chi phí khám, chữa bệnh BHYT và năm 2016 là 41%. Tỷ lệ này cao hơn so với các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội. Một trong những hạn chế bất cập là đấu thầu thuốc là thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở KCB, dẫn đến giá trúng thầu còn khác nhau, một số mặt hàng giá trúng thầu cao.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án và trình Chính phủ thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (TTMSTTTQG) trực thuộc Bộ Y tế. Trung tâm được phê duyệt thành lập theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/12/2016. Trong lần triển khai đấu thầu lần đầu tiên, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 05 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 05 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở Y tế trên toàn quốc trong 02 năm 2018-2019. Kết quả đã lựa chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu; tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, thấp hơn 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch). Trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Trung tâm đã thoả thuận khung đã ký kết với các nhà thầu trúng thầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Để tiếp tục quản lý tốt giá thuốc, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ BHYT, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ về đấu thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị, trên cơ sở kết quả đạt được từ lần tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Trung tâm MSTTTQG tiếp tục tổ chức đấu thầu đối với các mặt hàng thuốc được Bộ Y tế thống nhất mở rộng. Việc mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc Quốc gia theo nguyên tắc và tiêu chí đã được Bộ Y tế phê duyệt như thuốc thuộc các chương trình, dự án quốc gia; thuốc điều trị các bệnh không truyền nhiễm; thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế trong cả nước; thuốc có nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất... Trên cơ sở thoả thuận khung đã ký, các cơ sở KCB triển khai ký hợp đồng cụ thể với các nhà cung ứng thuốc theo hướng dẫn. Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng thuốc và chất lượng thuốc; kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, có thể nói đấu thầu tập trung thuốc Quốc gia được được kỳ vọng là một trong các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo mục tiêu đủ thuốc cung ứng cho người bệnh hướng tới giá thuốc hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang bước đầu thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc Quốc gia. Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và với giá hợp lý không không chỉ phụ thuộc vào TTMSTTTQG của Bộ Y tế mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà thầu được trúng thầu, phụ thuộc việc sử dụng thuốc hiệu quả của các cơ sở KCB. Cơ quan BHXH luôn đồng hành phối hợp chặt chẽ, tích cực với Trung tâm từ khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhà thầu, tập trung nhu cầu sử dụng, tham gia đóng góp ý kiến để công tác đấu thầu tập trung thuốc quốc gia đạt hiệu quả.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng thông tin, BHXH Việt Nam được Chính phủ giao tổ chức đấu thầu 05 hoạt chất. Hiện tại, Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam đang hoàn thành khâu cuối của việc chấm Hồ sơ kỹ thuật cho lần đấu thầu tập trung thuốc đầu tiên. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam kỳ vọng, kết quả đấu thầu của BHXH Việt Nam sẽ là những giải pháp góp sức cùng với Bộ Y tế bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và tăng cường hiệu quả trong sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT, tạo cơ sở hoàn thiện thêm quy định trong đấu thầu thuốc Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ sở KCB để triển khai thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình kí hợp đồng chi tiết với nhà thấu, sử dụng thuốc, đảm bảo cơ chế thanh toán thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh, tăng hiệu quả sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo tóm tắt Kết quả lựa chọn nhà thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia của 05 hoạt chất gồm 22 danh mục thuốc, Phó Giám đốc TTMSTTTQG, Bộ Y tế Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho biết, căn cứ các văn bản pháp lý, Trung tâm tổng hợp và rà soát nhu cầu thuốc; Xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình phê duyệt; Tiến hành đánh giá Hồ sơ dự thầu theo từng gói mặt hàng; Nhà thầu có thể chào thầu cho 01 hay nhiều mặt hàng, tuỳ thuộc vào năng lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng cung ứng của nhà thầu. Các cơ quan có liên quan như BHXH Việt Nam; Cục Quản lý Dược; Bệnh viện Trung ương tổ chức họp, rà soát lại nhu cầu và giá kế hoạch của gói thầu. Giám đốc Trung tâm phê duyệt danh mục, giá dự toán của gói thầu, trình Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, Trung tâm đăng tải thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia; thời gian cho phép nhà thầu chuẩn bị hồ sơ tối thiểu 20 ngày. Tổ chức hội nghị tiền đấu thầu nhằm giải đáp các thắc mắc của nhà thầu về việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu; gửi văn bản trả lời cho các nhà thầu đã mua Hồ sơ dự thầu; gửi văn bản trả lời cho các nhà thầu đã mua hồ sơ dự thầu. Tháng 7/2017, Trung tâm đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và kí thỏa thuận khung với nhà thầu. Kết quả, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng giảm được 477 tỷ đồng (17%) so với giá kế hoạch. Trong đó, thuốc biệt dược tiết kiệm được 114,3 tỷ đồng, giảm khoảng 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu; thuốc generic tiết kiệm 362,7 tỷ đồng, giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch.
Trung tâm MSTTTQG cũng thông báo tình hình ký kết Hợp đồng và hướng dẫn thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp thuốc giữa nhà thầu trúng thầu với các cơ sở y tế giai đoạn 2018-2019.
Các đại biểu tham gia Hội nghị thảo luận về công tác đấu thầu tập trung cấp địa phương; Thực trạng tình hình cung ứng, sử dụng thuốc tại bệnh viện; Quy trình báo cáo thực hiện kết quả đấu thầu và điều tiết số lượng thuốc trúng thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?