Tìm giải pháp sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế ở Việt Nam
20/09/2017 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
25% lực lượng lao động hiện nay ở Việt Nam nằm trong nhóm lao động yếu thế, rất dễ bị tổn thương hoặc có thể nhanh chóng rơi vào tổn thương khi đứng trước các biến động kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn thừa nhận sự yếu thế gần như “cố hữu” của nhóm lao động này.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, đến cuối năm 2016, nhóm được xếp vào lao động yếu thế đang có khoảng 13 triệu người, gồm 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 01 triệu lao động di cư, 180.000 lao động nhiễm HIV, 190.000 lao động nghiện ma túy, mại dâm… Có 80% lao động yếu thế tập trung ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn thấp, với 21,81% lao động chưa biết chữ, phần lớn chưa qua đào tạo nghề và trên 40,1% chưa bao giờ đi làm.
Nhóm lao động yếu thế gồm: NLĐ nghèo thuần túy, lao động di cư, lao động trẻ em, người khuyết tật, dân tộc ít người, người tái hòa nhập cộng đồng và một số nhóm nhỏ khác.
Với nhóm lao động là người khuyết tật, dù luật và chính sách có quy định đầy đủ nhưng theo nhiều chuyên gia, trong thực tiễn vẫn vô cùng khó khăn. Theo bà Lê Thị Nhung (Trường Đại học Lao động Xã hội), hiện nay, có rất nhiều khoảng trống từ dạy nghề cho tới giải quyết việc làm khiến người khuyết tật khó tham gia, hòa nhập thị trường lao động. "Ngay cả khu vực lao động chính thức đã gặp thiệt thòi thì khu vực phi chính thức hầu như không có áp dụng đáng kể nào trong việc hỗ trợ người khuyết tật" - bà Nhung nhận xét.
Còn bà Trần Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật Tp.HCM cho rằng, Luật Dạy nghề còn đề cập quá ít với nhóm này. Chương trình học nghề vẫn phải lấy bộ khung từ chương trình cho người bình thường chứ chưa có chương trình đặc thù. Ngay cả khi doanh nghiệp nhận người lao động khuyết tật vào làm việc nhưng lại không có phương tiện hỗ trợ thì xem như người khuyết tật vẫn phải làm việc trong điều kiện như người bình thường. Họ không theo nổi nên rốt cục vẫn chưa thật sự xóa được các rào cản với nhóm này.
Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển, bất cứ quốc gia nào cũng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến NLĐ. Trong đó, giải quyết việc làm cho những nhóm lao động đặc thù, yếu thế luôn là nội dung quan trọng, bức thiết nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của mỗi nước.
Ông Vũ Văn Hiệu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Tp.HCM) cho rằng, tại các đô thị lớn, nhóm yếu thế dễ nhận ra nhất chính là lực lượng lao động từ các tỉnh di cư vào thành phố làm việc. Mỗi biến động dù nhỏ hay lớn đều có thể gây ra những thương tổn cho họ. Ví dụ: NLĐ bị DN chấm dứt hợp đồng, bị vi phạm quyền lợi về BHXH, BHYT; chủ nhà trọ tăng giá thuê phòng trọ, điện nước sinh hoạt; bị dụ dỗ, lừa đảo… "Đa dạng hóa và xã hội hóa các hình thức cung cấp dịch vụ xã hội công lập, cải tiến chính sách hộ khẩu, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng dữ liệu về mạng lưới xã hội cần được thành phố đẩy mạnh thực hiện để hỗ trợ tối đa nhóm yếu thế này", ông Hiệu đề xuất.
Trong khi đó, ông Võ Văn Tấn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Cần Giờ (Tp.HCM) nêu thực trạng, hiện nay lao động yếu thế ở khu vực nông thôn đang ngày càng gia tăng. Không có việc làm, không có trình độ, không có vốn làm ăn, đã khiến nhiều gia đình rơi vào nghèo đói và túng quẫn. Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ vốn vay từ Nhà nước, nhưng khi họ tạo ra sản phẩm thì lại không có đầu ra và vòng luẩn quẩn nợ nần, thất nghiệp, nghèo đói cứ thế xoay vòng từ năm này qua năm khác…
Theo đánh giá của ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), 25% lực lượng lao động hiện nay ở Việt Nam nằm trong nhóm lao động yếu thế là tỉ lệ không hề nhỏ. Nếu không tìm được các giải pháp sinh kế bền vững, không giảm được số lượng này thì một hệ lụy rõ ràng nhất là nền kinh tế và xã hội không bền vững, nếu không nói là cũng sẽ dễ rơi vào tổn thương.
Trước những vấn đề bức thiết trên, các chuyên gia đều có chung đề xuất cần khẩn thiết phải có những quy định, chính sách để giải quyết, nhằm tạo cơ chế việc làm bền vững cho NLĐ. Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và sử dụng lao động tại chỗ, nhằm tạo việc làm cho các đối tượng này. Đồng thời, cần phát triển các mô hình dạy nghề và tạo việc làm; kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho người khuyết tật tại các cơ sở dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm và DN…
Bàn về giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: Về cơ bản, nâng cao vốn con người cho nhóm lao động yếu thế cần được thực hiện đồng bộ theo 03 hướng: Thứ nhất là nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đây là hướng tốt nhất nhưng khó khăn nhất, vì đặc điểm hạn chế khá phổ biến của nhóm lao động yếu thế là thiếu chủ động, thiếu ý chí vươn lên, thiếu tinh thần tự cứu; Thứ 2 là nâng cao trình độ, kỹ năng thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy, đảm bảo trang bị những kiến thức, kỹ năng chung. Đây là hướng rất phổ thông, là trách nhiệm chính của hệ thống giáo dục chính quy; Thứ 3 là nâng cao kiến thức, kỹ năng cụ thể: Tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết và phù hợp để giảm nghèo./.
Theo baodansinh.vn
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?