BHXH tự nguyện: “Hành trang” cho tuổi già an vui

21/05/2025 05:10 PM


Trong không khí ấm áp, gần gũi của chuyến đi thực tế tại xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai), những câu chuyện đời thường giản dị nhưng chân thành từ người dân địa phương đã để lại nhiều xúc động trong lòng các thành viên Đoàn công tác BHXH khu vực XVII. Qua mỗi cuộc trò chuyện, những trăn trở về cuộc sống, đặc biệt là với các chính sách BHXH, BHYT của người dân đã phần nào giúp Đoàn công tác hiểu rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng được đảm bảo an sinh xã hội của Nhân dân.

Trong chuyến thực tế lần này, dừng chân tại quán nước bên đường tại thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang để chia sẻ với chị Trần Thị Thành - chủ quán về giá trị nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bên bàn nước, hai vợ chồng chị Thành vừa tươi cười tâm sự và kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống bình dị hàng ngày của gia đình, chị cũng chia sẻ: vốn dĩ chị chưa từng nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, sau khi được Đoàn công tác trực tiếp chia sẻ, tư vấn, giải đáp tận tình về chính sách BHXH tự nguyện, chị đã hiểu rõ hơn về lợi ích lâu dài mà BHXH tự nguyện mang lại và quyết định chủ động đăng ký tham gia ngay với Đoàn công tác. Câu chuyện của chị Thành là một minh chứng sống động cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông, vận động chính sách trực tiếp tại cơ sở.

Chị Thành cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị gồm 5 người đều đã tham gia BHYT. Với chị, đó là cách để bảo vệ sức khỏe và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình khi có thành viên chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Và giờ đây, với quyết định tham gia thêm BHXH tự nguyện, chị mong muốn sẽ có được sự an tâm, ổn định hơn khi về già. “Lo cho sức khỏe là trước mắt, lo cho tuổi già là lâu dài, nay tôi đã có thêm lựa chọn để lo tuổi già của mình,” chị Thành chia sẻ.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tại gia đình chị Trần Thị Thành

“Đối với công tác truyền thông, vận động Nhân dân, cơ quan BHXH luôn coi việc tương tác hai chiều là rất quan trọng. Là một cán bộ văn hóa - xã hội của xã, tôi nhận thức rõ giá trị nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước nên tôi cũng động thời cộng tác làm nhân viên thu cho Tổ chức Dịch vụ thu trên địa bàn xã. Theo tôi thấy, những người làm công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân càng phải có được sự gắn bó, liên hệ mật thiết với Nhân dân. Trong môi trường làm việc tại xã, tôi có cơ hội thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với người dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện phải được thực hiện một cách lâu dài, liên tục và đều đặn. Nhờ cách làm này, chính sách BHXH đã được người dân hiểu rõ hơn và ngày càng tích cực, chủ động tham gia.” - anh Lê Hoàng Anh, cán bộ văn hóa - xã hội xã Xuân Quang, nhân viên Tổ chức Dịch vụ thu chia sẻ.

Cũng như chị Thành, anh Nguyễn Văn Quyết (sinh năm 1984), hiện đang sinh sống tại thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang chia sẻ rằng: gia đình anh có 6 thành viên. Với mong muốn giảm bớt gánh nặng tài chính khi không may ốm đau, bệnh tật, hằng năm anh đều chủ động mua thẻ BHYT cho cả nhà. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên anh chưa thể cân nhắc tới việc tham gia BHXH tự nguyện.

Mới đây, anh Quyết được nhân viên Tổ chức Dịch vụ thu đến tận nơi truyền thông, vận động về chính sách BHXH tự nguyện. Được tư vấn kỹ lưỡng về lợi ích lâu dài và ý nghĩa nhân văn của chính sách này, anh Quyết đã quyết định sẽ thu xếp và dành dụm một khoản tiền nhỏ mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện - như một cách đầu tư bản thân khi về già, không còn khả năng lao động.

Trao đổi với Đoàn Công tác chị Vũ Thị Hiến - Bí thư Chi bộ thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang cho biết: công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT luôn được lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt Chi bộ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Theo chị Yến, muốn truyền thông hiệu quả thì cán bộ phải bám sát, gần gũi với Nhân dân, tạo được uy tín thì người dân mới tin tưởng và hưởng ứng. Đến hết năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT ở thôn Bắc Ngầm đã đạt trên 94%, để có được kết quả đó chúng tôi thường xuyên lấy gương những người dân đã tham gia BHXH, BHYT làm minh chứng cụ thể, đồng hành cùng cán bộ đi trong các hoạt động truyền thông cho Nhân dân. Cứ như vậy, từng bước vận động, thông tin cụ thể, rõ ràng về quyền lợi, lợi ích lâu dài, người dân dần hiểu và tự nguyện tham gia. Nhờ đó, thôn đã hoàn thành tốt chỉ tiêu được xã giao” – chị Hiến chia sẻ.

Sau khi được truyền thông, vận động, anh Nguyễn Văn Quyết đã đăng kí tham gia BHXH tự nguyện

“Là xã vùng thấp của huyện Bảo Thắng, với hơn 12.000 nhân khẩu thuộc 10 dân tộc cùng sinh sống, Xuân Quang gặp không ít khó khăn trong công tác truyền thông chính sách do địa hình rộng, dân cư phân tán. Tuy vậy, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ với BHXH liên huyện, công tác triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, xã có 385 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 4,92% lực lượng lao động trong độ tuổi), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,2%” - đồng chí Sần Sín Sỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang thông tin tại buổi làm việc với Đoàn Công tác.

Tính đến 15/5/2025, trên địa bàn huyện Bảo Thắng và Mường Khương có tổng số 106.020 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,3%; 2.711 người tham gia BHXH tự nguyện. Toàn huyện đã cập nhật bổ sung xác thực căn cước công dân/ định danh cá nhân cho 103.299/103.304 người tham gia BHXH, BHYT được, đạt 99,99%.

Tại buổi làm việc với chính quyền huyện, Phó Giám đốc BHXH khu vực XVII nhấn mạnh: BHXH liên huyện cần đẩy mạnh công tác truyền thông theo hình thức nhóm nhỏ, trực tiếp đến từng hộ gia đình, đồng thời tận dụng hiệu quả các cuộc họp thôn, tổ dân phố để phổ biến chính sách. Đồng chí đề nghị BHXH liên huyện chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các hội nghị nhằm lan tỏa sâu rộng chính sách an sinh, đồng thời khuyến khích cán bộ và người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo quyền lợi lâu dài.

Hằng Nga (BHXH khu vực XVII)