Bộ Tài chính ban hành kế hoạch chuyển đổi số 2025
16/05/2025 04:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Tài chính vừa ban hành ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 với quan điểm phát huy, kế thừa tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về chuyển đổi số.
Cụ thể: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài chính là đột phá quan trọng, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa ngành Tài chính vươn lên, phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Ảnh minh họa
Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của các cấp tổ chức Đảng trong ngành Tài chính. Xác định chuyển đổi số ngành Tài chính là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực do Bộ Tài chính quản lý (ngân sách, thuế, kho bạc, hải quan, chứng khoán, dự trữ ...); được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; các nhà khoa học, chuyên gia về chuyển đổi số, chuyên gia công nghệ số là nhân tố then chốt; ngành Tài chính thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất về các chính sách tài chính cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các thể chế về tài chính phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Tài chính; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.
Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu ngành Tài chính, đưa dữ liệu ngành Tài chính thành tư liệu sản xuất chính phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Tài chính.
Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đảm bảo: Phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung toàn ngành; Cung cấp các dịch vụ tài chính số chất lượng phục vụ xã hội; Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; Các mục tiêu phát sinh do Bộ Chính trị, Chính phủ giao năm 2025 và các năm tiếp theo.
Chuyển đổi công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, Lãnh đạo Bộ Tài chính sang môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại để tổng hợp dữ liệu, hỗ trợ phân tích, xây dựng mô hình dự báo, nhằm tăng cường công tác tham mưu, tổ chức hoạt động và hỗ trợ ra quyết định của Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính; theo dõi, giám sát, đánh giá, đo lường việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ dựa trên dữ liệu số.
Trong đó, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo.
- Từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối.
- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tài chính từ Trung ương (Bộ Tài chính) đến địa phương (Các Cơ quan Thuế, Hải quan, Dự trữ, Kho bạc khu vực ...) trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các đơn vị trong ngành Tài chính. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu.
- Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bải bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải thực hiện trực tuyến thông suốt, liền mạch và hiệu quả, đảm bảo minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
- Phấn đấu 50% chỉ tiêu thống kê của ngành tài chính được cung cấp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành dưới dạng dữ liệu số khi có yêu cầu.
- Phấn đấu 100% các thông tin, dữ liệu Bộ Tài chính được tích hợp, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin của Trung ương Đảng, Quốc hội khi có yêu cầu.
- Phấn đấu 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được theo dõi, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu số./.
Nguyễn Duy
Chi tiết >>
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
BHXH Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, ...
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?