Bảo hiểm xã hội - Chính sách ưu việt, nhân văn vì quyền lợi người lao động
02/05/2025 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của mỗi quốc gia, chính sách BHXH luôn giữ vai trò là một trụ cột vững chắc. Ở nước ta, chính sách BHXH được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, xác định là nền tảng cơ bản cho hệ thống ASXH.
Cùng với chính sách BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tạo nên một hệ thống toàn diện bảo vệ người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, trước những rủi ro như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, tuổi già. Chính sách BHXH không chỉ giúp người lao động ổn định cuộc sống trong quá trình làm việc mà còn hỗ trợ họ khi không còn khả năng lao động.
Sơ lược quá trình hình thành và phát triển của chính sách BHXH
Lịch sử chính sách BHXH ở nước ta gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ năm 1929, định hướng về chính sách bảo hiểm cho người lao động đã được nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập năm 1945, Hiến pháp năm 1946 đã định hướng về việc ban hành Luật bảo hiểm xã hội và các chính sách xã hội.
Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chính sách BHXH chủ yếu áp dụng cho cán bộ, công chức, công nhân viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang. Sang thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ năm 1995, chính sách BHXH có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Ngày 26/01/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 12/CP ban hành Điều lệ BHXH, áp dụng BHXH bắt buộc cho công chức, công nhân viên chức nhà nước và mọi người lao động theo hợp đồng. Sự kiện này đánh dấu việc hình thành Quỹ BHXH độc lập, tách biệt khỏi ngân sách Nhà nước. Quỹ được xây dựng dựa trên nguyên tắc đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, khẳng định nguyên tắc đóng - hưởng. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đến người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên tại các doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn 2006-2015 đánh dấu sự hoàn thiện hành lang pháp lý. Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH (Luật BHXH 2006), tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chính sách BHXH toàn diện và hiệu quả hơn. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ ngày 01/01/2009 đối với Bảo hiểm thất nghiệp. Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ năm 2016) tiếp tục mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc (bao gồm người làm việc theo hợp đồng từ 1 tháng trở lên, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ năm 2018), linh hoạt phương thức đóng BHXH tự nguyện và điều chỉnh cách tính lương hưu.
Giai đoạn từ 2016 đến nay chứng kiến sự bứt phá trong thực hiện chính sách, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số. Các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 28-NQ/TW (2018) về cải cách chính sách BHXH đã đặt mục tiêu phát triển hệ thống BHXH toàn dân, đa tầng, linh hoạt, bền vững. Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH và bổ sung nhiều quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng.
Chính sách BHXH ngày càng hoàn thiện, ưu việt
Có thể thấy, qua quá trình hình thành và phát triển, chính sách BHXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện theo hướng gia tăng quyền, lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tiệm cận các thông lệ quốc tế. Tính ưu việt và nhân văn của chính sách thể hiện rõ nét qua sự phát triển từ BHXH bắt buộc đến BHXH tự nguyện và việc mở rộng, nâng cao quyền lợi cho người tham gia.
Cụ thể, BHXH bắt buộc cung cấp 5 chế độ quan trọng: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Các chế độ này hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống khi gặp các rủi ro, biến cố trong quá trình làm việc và khi về già không còn khả năng lao động. Đối với doanh nghiệp, việc người lao động tham gia BHXH đầy đủ không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn giúp họ thu hút và giữ chân người lao động, tạo động lực phát triển sản xuất kinh doanh. Chính sách dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, đảm bảo người đóng nhiều, đóng dài sẽ hưởng cao hơn, thể hiện sự công bằng, bình đẳng. Đồng thời, có sự chia sẻ giữa các thành viên trong xã hội và trách nhiệm đóng góp của người sử dụng lao động. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, đảm bảo khả năng chi trả bền vững. Người hưởng lương hưu được điều chỉnh mức hưởng định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, người hưởng lương hưu còn được Quỹ BHXH chi trả kinh phí cấp thẻ BHYT trọn đời, với mức hưởng lên đến 95% chi phí khám chữa bệnh.
Về BHXH tự nguyện: Trước năm 2008, chính sách BHXH chỉ áp dụng bắt buộc. BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008, tạo cơ hội cho người lao động ở khu vực phi chính thức, những người không thuộc diện tham gia bắt buộc, được tiếp cận chính sách hưu trí và tử tuất. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ hưu trí (lương hưu hàng tháng) và tử tuất (trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần). Tương tự như BHXH bắt buộc, người hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện cũng được cấp thẻ BHYT miễn phí trọn đời. Bên cạnh đó, theo Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), người tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng thêm trợ cấp thai sản. BHXH tự nguyện có mức đóng và phương thức đóng đa dạng, linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người. Quan trọng hơn, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Mức hỗ trợ dựa trên mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn (30% cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo, 10% cho đối tượng khác), tối đa không quá 10 năm. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương. Giống như BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện cũng là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, không vì lợi nhuận. Mục đích duy nhất là đảm bảo cuộc sống cho người dân khi về già, khi không còn khả năng lao động…
BHXH Việt Nam luôn nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH
Nỗ lực phục vụ người tham gia, thụ hưởng
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, lợi ích quan trọng của chính sách BHXH, là cơ quan được giao tổ chức thực hiện chính sách này, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong triển khai nhiệm vụ. Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, củng cố niềm tin của người dân, người lao động, doanh nghiệp vào chính sách BHXH.
Cụ thể, số người tham gia BHXH không ngừng được mở rộng, tăng trưởng ấn tượng từ 2,276 triệu người năm 1995 lên 18,418 triệu người năm 2023. Đến hết năm 2024, số người tham gia BHXH đạt 20,159 triệu người, chiếm 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi, vững vàng tiến tới đạt mục tiêu theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện cũng có sự phát triển vượt bậc. Năm 2019, tăng trưởng số người tham gia BHXH tự nguyện bằng tổng số người tham gia của cả 11 năm trước cộng lại. Đến năm 2020, toàn quốc đã có 1,125 triệu người tham gia BHXH tự nguyện và con số này đạt 2,311 triệu người vào năm 2024 (tăng 2 lần so với năm 2020) tương ứng 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi (là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 2,3% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương).
Về giải quyết chế độ chính sách, số người hưởng chế độ BHXH tăng nhanh: Năm 1995, toàn quốc có 976 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng, đến năm 2024 con số này 113 nghìn người, tăng gần 116 lần. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng từ khoảng 150 nghìn người năm 2010 lên trên 900 nghìn người năm 2024, tăng 6 lần. Từ năm 2010 đến hết năm 2024, tổng số người có quyết định hưởng Trợ cấp thất nghiệp đạt gần 10,7 triệu người.
Năm 2024, BHXH Việt Nam đã chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (trong đó, cơ quan BHXH thực hiện trực tiếp chi trả qua tài khoản cá nhân cho 70% người hưởng trên toàn quốc); giải quyết hưởng mới chế độ hàng tháng cho 113.005 người; 1.388.525 người hưởng các chế độ BHXH một lần; 9.089.560 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; phối hợp giải quyết 910.102 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề.
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ TTHC nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa, đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất). Từ 263 thủ tục năm 2009, ngành đã giảm 238 thủ tục, xuống còn 25 thủ tục (năm 2024, tương đương giảm 90,5%). BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và trợ cấp BHTN qua tài khoản ngân hàng. Hiện nay, 100% người hưởng các chế độ này và trên 80% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại khu vực đô thị đã được chi trả qua tài khoản ngân hàng.
BHXH Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện Chính phủ số, bảo đảm ASXH, giảm thời gian và chi phí giao dịch. Trong thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam đã kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực hơn 99,8 triệu nhân khẩu, triển khai CCCD gắn chip, VNeID thay thế thẻ BHYT giấy, giúp đơn giản hóa thủ tục KCB, tiết kiệm chi phí. Hiện nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã áp dụng CCCD gắn chip/VNeID, giúp giảm thời gian làm thủ tục còn 6-15 giây. BHXH Việt Nam cũng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng VssID - BHXH số được nâng cấp liên tục, hỗ trợ người lao động trong quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách…
Có thể thấy, chính sách BHXH ở nước ta đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển không ngừng, ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Với những giá trị ưu việt và nhân văn sâu sắc, chính sách BHXH đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người lao động và người dân trước những rủi ro và biến động của cuộc sống. Bên cạnh đó, những kết quả nổi bật mà BHXH Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng phục vụ đã củng cố thêm niềm tin và sự hài lòng của người tham gia. Trong giai đoạn tiếp theo, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, góp phần vào nền an sinh xã hội bền vững của đất nước./.
PV
Chi tiết >>
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?