Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong phòng chống ma túy
08/11/2024 03:37 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Ngày 8/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Trình bày Tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm cho biết, hiện nay, tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta.
Tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.
Đồng thời triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy; triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy...
Chương trình đặt ra các mục tiêu tổng quát, đó là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý.
Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng, với thời gian thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030. Trong đó năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026-2030: triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Kết hợp chặt chẽ giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy
Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Hồ sơ Chương trình được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đúng quy trình, thủ tục, cơ bản đáp ứng quy định.
Chương trình bảo đảm điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, tên gọi và thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp.
Về các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án thành phần, Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, 20 chỉ tiêu, thực hiện trên phạm vi cả nước là cơ bản phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục rà soát quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể. Bảo đảm sự gắn kết logic giữa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, nội dung, hoạt động trong dự án thành phần; bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có tính khả thi, hiệu quả, không trùng lặp. Tiếp tục đánh giá rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm và khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án.
Ủy ban Xã hội cũng thấy rằng, 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án của Chương trình, về cơ bản phù hợp với các hoạt động trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy của giai đoạn thực hiện Chương trình.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khoẻ, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình.
Đối với dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 4.674,537 tỷ đồng và khoảng 50 tỷ đồng vốn huy động hợp pháp khác là ít hơn nhiều so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong bối cảnh chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ rất lớn thì việc dự kiến bố trí nguồn vốn như vậy là phù hợp.
Về cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội nhận thấy, để công tác phòng, chống ma tuý hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, kinh phí, tăng cường vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác phòng, chống ma tuý.
Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số giải pháp vào dự thảo Nghị quyết như: Bổ sung giải pháp huy động nguồn lực xã hội hoá cho phòng, chống ma tuý; có cơ chế khuyến khích địa phương tự cân đối được ngân sách tăng chi ngân sách cho phòng, chống ma tuý; đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực, các nội dung, hoạt động, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung các giải pháp về nâng cao hiệu quả cai nghiện ma tuý bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp phòng, chống ma tuý; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện Chương trình; tăng cường công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thực hiện Chương trình./.
Theo VGP
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?