Sửa đổi Luật BHYT: Đề xuất tiếp tục mở rộng đối tượng, tăng quyền lợi người tham gia
31/10/2024 03:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 31/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất cần tiếp tục mở rộng các đối tượng và tăng quyền lợi, hỗ trợ người tham gia BHYT.
Đại biểu Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên họp
Đại biểu Phan Văn Xựng - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực. Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố, thảm họa ở các khu vực nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như các hạ sĩ quan tại ngũ, nhưng thân nhân của họ chưa được mua thẻ BHYT bằng ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực.
Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại phiên họp
Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Góp ý quy định về đối tượng tham gia BHYT, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bổ sung đối tượng “Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, hiện nay Luật BHYT quy định đối tượng Cựu thanh niên xung phong (TNXP) trước năm 1975 và cựu TNXP sau năm 1975 tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào được NSNN cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên đối với Cựu TNXP sau năm 1975 tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế vùng khó khăn chưa được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được NSNN hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, với lý do người dân tại các xã này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, trong khi giai đoạn 2020 - 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, các chính sách, quy định về chuẩn hộ nghèo thay đổi và tăng lương cơ sở dẫn đến tăng mức đóng BHYT. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT của người dân ở vùng này còn hạn chế.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại phiên họp
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đánh giá, nhiều điều khoản của dự thảo Luật đã được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ. Đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ, sau cuộc giám sát thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, Đoàn giám sát và các ĐBQH nhận thấy, còn một bộ phận đồng bào DTTS&MN có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, do đó việc hỗ trợ này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các chính sách đó theo một lộ trình để người dân an tâm thực hiện chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Để tiếp tục mở rộng diện bao phủ, Đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ NSNN tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT; cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được NSNN hỗ trợ…
Phạm Chính
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?