BHXH, BHYT - Chia sẻ gánh nặng cuộc sống đối với lao động nữ tự do
23/10/2024 02:19 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội biến động mạnh, việc tham gia BHXH và BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên phụ nữ, gia đình và xã hội. Đặc biệt, đối với lao động nữ tự do, việc tham gia BHXH, BHYT không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn đảm bảo ổn định kinh tế khi hết tuổi lao động, góp phần an sinh xã hội bền vững.
Đây là chia sẻ đa số hội viên phụ nữ tại Hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho gần 600 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh tại tỉnh Kiên Giang do BHXH Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa tổ chức tại tỉnh Kiên Giang.
Với nụ cười tươi tắn, vẻ mặt rạng ngời ở độ tuổi hơn 60, ít ai nghĩ cô Nguyễn Thị Oanh (Số 115, tổ 1, ấp Phước Linh, xã Mông Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) vừa mới trải qua vụ tại nạn giao thông khá nặng và hơn 20 năm kiên trì điều trị bệnh tiểu đường. “Để vượt qua những lúc khó khăn bệnh tật, tai nạn, có được tinh thần vui vẻ, lạc quan, bí quyết của Cô là tham gia BHYT. Không có BHYT bản thân cô khó có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn vừa qua” – cô Oanh vui vẻ nói.
Cô Nguyễn Thị Oanh tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại Hội nghị
Tháng 3/2024, trong một lần đi bộ tập thể dục ven đường, cô Oanh bị xe máy lao thẳng vào người, làm gãy thân xương đùi. Người thanh niên đi xe máy gần nhà, gia cảnh khó khăn, không có tiền để hỗ trợ cô điều trị. Với vết thương nặng, cô được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 tỉnh Kiên Giang. Bác sỹ chẩn đoán tình trạng cô Oanh rất nặng cần được điều trị khẩn cấp. Bệnh viện thông báo chi phí điều trị lên tới hơn 100 triệu đồng. “Bản thân cô là lao động tự do, chỉ bán hàng nhỏ lẻ số tiền điều trị như vậy quá lớn đối với gia đình” – cô Oanh bày tỏ.
May mắn thay, nhờ tham gia BHYT được hơn 10 năm, lần tại nạn này cô được quỹ BHYT chi trả phần lớn tổng chí phí. Cụ thể, cô chỉ phải trả 10 triệu đồng thay vì hơn 100 triệu đồng tiền viện phí. Nhờ được BHYT hỗ trợ phần lớn kinh phí điều trị, cô Oanh đánh giá cao sự nhân văn, chia sẻ rủi ro, gánh nặng chi phí y tế của chính sách BHYT. Sau hơn một tháng, giờ đây nhớ lại biến cố tại nạn giao thông, cô vẫn vững tin khi đã có tấm thẻ BHYT đồng hành. Sau khi xuất viện, cô Oanh lấy trường hợp mình để tuyên truyền cho bà con lối xóm về lợi ích khi tham gia BHYT, đặc biệt với người lao động tự do.
Sau khi được truyền thông chính sách BHXH, BHYT, từ những sự băn khoăn, bỡ ngỡ ban đầu, trải qua quá trình điều trị chấn thương, cô Oanh thực sự tin rằng tham gia BHXH, BHYT mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt với chị em phụ nữ là lao động tự do, trong bối cảnh kinh tế đầy biến động hiện nay.
Chị Trịnh Hồng Kính (39 tuổi), ấp Minh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thanh, tỉnh Kiên Giang đã tham gia BHXH tự nguyện được gần 7 năm, với mức đóng hơn 3 triệu đồng mỗi quý. Trước đây, chị từng tham gia BHXH bắt buộc tại công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh được 13 năm. Năm 2018, khi nghỉ việc và theo chồng về Kiên Giang, nhiều người khuyên chị rút BHXH một lần để có vốn kinh doanh, khi có công việc mới thì tham gia lại. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và được tư vấn chi tiết tại cơ quan BHXH tỉnh, chị nhận thấy tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc rút BHXH một lần. Việc rút một cục sẽ khiến chị thiệt thòi hơn về sau, vì số tiền nhận được thấp hơn nhiều so lương hưu được lĩnh lâu dài.
Chị Trịnh Hồng Kính quyết định không rút BHXH một lần để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện mong muốn được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động
Chị Kính chia sẻ: "Số tiền rút BHXH một lần có thể gần 100 triệu, nhưng kinh tế gia đình tôi chưa cần đến số tiền đó ngay. Rút một lần có nhiều thiệt thòi hơn so với việc tiếp tục tham gia BHXH. Mình còn trẻ, có thể xin việc để tiếp tục đóng BHXH và khi cộng nối thời gian tham gia, lương hưu sau này sẽ cao hơn, đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Với những người lao động tự do là phụ nữ, tham gia BHXH tự nguyện cũng mang lại nhiều quyền lợi, năm 2025 với quy định mới sẽ có chế độ thai sản, về già có lương hưu cùng với thẻ BHYT. Vì những lợi ích này, tôi đã quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để bảo vệ bản thân".
Bà Lương Thị Thủy, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh: Chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giúp bảo vệ sức khỏe, mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ và gia đình họ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều thách thức, ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện các chương trình, hoạt động truyền thông về chính sách BHXH, BHYT trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền, lợi ích, trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT.
Thông qua các hội nghị, hội viên phụ nữ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất, giúp cho chị em phụ nữ và người dân ở địa phương, khu phố của mình hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, để mỗi chị em phụ nữ và người dân đều có thể tiếp cận và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, an tâm lao động và tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn./.
Thái Dương
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Lãnh đạo Ngành BHXH tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?