BHXH Việt Nam: Nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng
21/04/2023 03:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 21/4, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác giám định BHYT quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2023. Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác giám định BHYT trong quý I, đồng thời là diễn đàn để BHXH tỉnh, thành phố báo cáo về công tác tổ chức thực hiện cũng như phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2023.
“Hội nghị trực tuyến này nhằm đánh giá trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc thực hiện công tác giám định BHYT theo Quy trình giám định. Đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm, hướng dẫn BHXH các địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong 9 tháng cuối năm 2023, đảm bảo quản lý hiệu quả quỹ BHYT, cũng như đảm bao quyền lợi của người dân tham gia BHYT” – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Gia tăng chi phí KCB BHYT 03 tháng đầu năm 2023
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2023, số lượt KCB BHYT là 40,39 triệu lượt (tăng 12,69 triệu lượt, tăng 45,85% so với quý I/2022); chi phí đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 26.976,2 tỷ đồng (tăng 7.697,3 tỷ đồng, tăng 39,93% so với quý I/2022). Như vậy so với quỹ KCB BHYT quý I/2023 (là 23.737,4 tỷ đồng bằng 90% số tiền đóng BHYT đã thu), hiện đang âm quỹ BHYT là 3.238,8 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác giám định BHYT quý I/2023.
Một số tỉnh có số tiền tăng lớn so với Quý I/2022 là Hà Nội (1.628,9 tỷ đồng), Hồ Chí Minh (1.024 tỷ đồng), Thanh Hóa (315,21 tỷ đồng), Nghệ An (250 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế (187,36 tỷ đồng), Đồng Nai (161,49 tỷ đồng), Bình Dương (154,95 tỷ đồng)...
Tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đã chia sẻ một số điểm đáng lưu ý trong kết quả thực hiện chính sánh BHYT dựa trên số liệu các cơ sở đề nghị quyết toán ghi nhận trên Hệ thống giám sát của 63 tỉnh, thành phố, Theo đó, trong quý I/2023, toàn quốc có số lượt KCB tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số chi KCB BHYT tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, số lượt KCB BHYT là trên 40 triệu lượt KCB (ngoại trú 36,4 triệu lượt; nội trú 3,9 triệu lượt, tăng 46% so với quý 1/2022 (tương đương với tăng gần 13 triệu lượt).
Số liệu trên Hệ thống giám sát cũng cho thấy, tổng chi 3 tháng đầu năm 2023 là 30,9 tỷ đồng, trong đó quỹ BHYT thanh toán 26,9 nghìn tỷ đồng (ngoại trú 10,4 nghìn tỷ, nội trú 16,4 nghìn tỷ đồng). Số chi toàn quốc tăng 40% (ngoại trú tăng 34%, nội trú tăng 44%) so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với tăng 7,7 nghìn tỷ đồng. Tỉnh có tỷ lệ chi tăng cao nhất so với cùng kỳ là Đồng Tháp (tăng 74%), cùng nhiều tỉnh có mức tăng trên 50%...
Trong 3 tháng đầu năm 2023, số ngày điều trị bình quân của toàn quốc là 6,3 ngày, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, tỷ lệ và điều trị nội trú toàn quốc là 9,8%, tăng 8% so với cùng kỳ quý 1/2022. Các tỉnh có tỷ lệ và điều trị nội trú cao nhất chủ yếu là vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hiện số chi bình quân/lượt ngoại trú và cho bình quân/lượt nội trú đều có mức giảm tương ứng 8% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong cơ cấu chi KCB BHYT lại có một số chỉ số đáng quan tâm. Cụ thể trong KCB BHYT ngoại trú, tỷ lệ chi cho xét nghiệm, CĐHA, PTTT đang tăng so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng 6,8%; 11,4%; 5,5%. Ngược lại, tỷ lệ chi thuốc 5,7% đã giảm so với cùng kỳ. “Cùng với mức chi bình quân/lượt ngoại trú giảm 8%, các tỉnh cần lưu ý đến việc đảm bảo chất lượng điều trị ngoại trú, hạn chế chỉ định xét nghiệm, CĐHA rộng rãi”, ông Phúc lưu ý. Còn trong KCB nội trú, so với cùng kỳ, tỷ lệ chi tiền giường nội trú tăng mạnh, cao hơn 16,7%, cùng với đó là gia tăng 10,8% tỷ lệ chi CĐHA; giảm mạnh tỷ lệ chi PTTT, VTYT thanh toán riêng.
Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.
Ông Phúc cũng đưa ra dự báo sẽ gia tăng số lượt và chi KCB các quý còn lại của năm 2023. Cụ thể, dự kiến số lượt KCB BHYT 6 tháng đầu năm là 83 triệu lượt, quỹ BHYT thanh toán 58.000 tỷ đồng.
Tại một số địa phương, một số thuốc có giá trúng thầu chênh lệch lớn so với giá trúng thầu trung bình. Qua rà soát giá thuốc trúng thầu trung bình do BHXH Việt Nam công bố 2 đợt năm 2022 còn nhận thấy một số tỉnh có trúng thầu thuốc có giá trúng thầu chênh lệch lớn so với giá thuốc trúng thầu trung bình. Chi phí thuốc chưa được sử dụng hợp lý còn thể hiện trong việc cấp phát sử dụng thuốc.
Tương tự, mức chi VTYT 3 tháng đầu năm 2023 là 3.140,6 tỷ đồng; chiếm 10,16% tổng chi KCB (Tổng chi KCB: 30.902,7 tỷ đồng). Theo tính toán, tỷ lệ chi VTYT/Tổng chi KCB toàn quốc trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm so với 3 tháng đầu năm 2022 (có thể là do thời gian đầu thực hiện quy trình giám định, việc đưa dữ liệu KCB lên hệ thống thông tin giám định còn gặp vướng mắc), tuy nhiên có 19 tỉnh có tỷ lệ chi VTYT/tổng chi KCB 3 tháng đầu năm 2023 tăng so với 3 tháng đầu năm 2022. Một số địa phương có mức tăng đột biến như Quảng Trị có tổng chi KCB BHYT đứng thứ 50 toàn quốc nhưng tỷ lệ chi VTYT/tổng chi KCB BHYT đứng thứ 8 toàn quốc (9,69%).
Ông Phúc cũng cho biết “Giá thanh toán đối với một số loại VTYT có giải giá rộng, còn có sự chênh lệch lớn giá đấu thầu, giá sử dụng đối với 1 số loại VTYT. Với các tỉnh có tỷ lệ chi VTYT/tổng chi KCB BHYT cao hơn bình quân chung toàn quốc. Đề nghị các tỉnh này tăng cường công tác kiểm tra, giám định tình hình chi VTYT tại địa phương”.
Kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo nguồn quỹ sử dụng hiệu quả
Tại hội nghị, một số địa phương cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như khiến gia tăng chi phí tại địa phương mình như gia tăng chuyển tuyến đa tuyến từ các tỉnh về các TP trung tâm; gia tăng điều trị ở một số nhóm bệnh chi phí cao; tăng số bệnh nhân được chỉ định vào nội trú...
Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến Nguyễn Tất Thao đánh giá công tác giám định BHYT tại các địa phương.
Đánh giá công tác giám định BHYT tại các địa phương, ông Nguyễn Tất Thao - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) cho biết, trong năm 2022, Trung tâm đã thông báo đến BHXH các địa phương về 71 chuyên đề, trong đó có 26 chuyên đề mới và 45 chuyên đề cũ, số tiền đề nghị giám định là 132,1 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/4/2023, BHXH các tỉnh/TP báo cáo số tiền đã thu hồi về quỹ là 51,0 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi 38,6%). Theo ông Thao, một trong những vấn đề cần được chấn chỉnh là một số BHXH tỉnh thực hiện chưa nghiêm túc việc giám định.
Về công tác kiểm tra các hoạt động KCB BHYT thời gian qua, bà Nguyễn Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, việc phát hiện chi sai và thu hồi ở các đơn vị, kể cả những địa phương có chi phí KCB BHYT gia tăng đột biến vẫn còn thấp. Đề nghị công tác kiểm tra theo kế hoạch cần được BHXH các địa phương thực hiện sớm ngay từ đầu năm. Các phòng thanh tra - kiểm tra phối hợp với phòng giám định của BHXH, và CNTT các địa phương định hướng, xác định các cơ sở KCB, cũng như nội dung cần kiểm tra để tổ chức kiểm tra đột xuất tại các cơ sở KCB. Công tác kiểm tra của BHXH các tỉnh kiểm soát chặt chẽ, trường hợp không đăng ký hành nghề vẫn thực hiện KCB; trùng thời gian tại nhiều cơ sở KCB khác nhau...
BHXH các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị tại các điểm cầu
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Hòa đặc biệt nhấn mạnh: trong khi nguồn quỹ BHYT có hạn, việc gia tăng nhanh chóng chi phí KCB BHYT đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, phối hợp với ngành y tế quản lý nguồn quỹ hiệu quả. BHXH các địa phương phải nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giám định BHYT và đánh giá bằng hiệu quả thực chất.
Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương hằng tháng báo cáo UBND tỉnh/TP về tình hình sử dụng, cân đối quỹ trên địa bàn để cùng quản lý, giám sát. Đặc biệt phân tích dữ liệu, phát hiện kịp thời các chi phí gia tăng; không phù hợp. Kiểm soát giá thuốc và VTYT, làm rõ các mâu thuẫn khi cơ sở y tế một mặt tăng chỉ định, sử dụng các loại thuốc mới giá cao nhưng số ngày điều trị bình quân lại kéo dài hơn; so sánh các nhóm và theo dõi việc sử dụng các nhóm thuốc, VTYT. Đồng thời các địa phương và cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc quyết định thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các cấp; giám sát sử dụng nguồn quỹ BHYT hiệu quả, không lãng phí, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và cơ sở KCB.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?