Triển khai công tác cải cách hành chính một cách thiết thực, hiệu quả, có lợi cho người dân, doanh nghiệp
03/02/2023 02:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 3/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CCHC được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, năm 2022, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó có nhiều điểm sáng, như công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; góp phần khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Cụ thể, nhận thức về CCHC được nâng lên; việc triển khai các nhiệm vụ CCHC được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác CCHC.
Thủ tướng chủ trì 2 phiên họp của Ban Chỉ đạo, 1 hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; 1 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác CCHC. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra gần 1.100 nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm, thời gian triển khai; ban hành 342 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt.
Công tác cải cách, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Chính phủ đã trình Quốc hội 20 dự án luật; tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về pháp luật để xem xét, cho ý kiến, thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành 125 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định; các bộ ban hành trên 400 thông tư.
Công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường (trong năm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 12.000 văn bản quy phạm pháp luật, rà soát hơn 27.800 văn bản và kiến nghị xử lý hơn 5.700 văn bản.
Công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; Thủ tướng đã phê duyệt phương án phân cấp 699 TTHC trong 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn 2022-2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ số phải có công dân số, nền kinh tế số phải có nhân lực số… - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 địa phương tổ chức theo mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Gần 4.400/6.502 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đạt trên 67%); hơn 164 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến. Cơ bản hoàn thành tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Công tác cải cách bộ máy hành chính được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ bản hoàn thành việc ban hành nghị định về các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay, đã ban hành 24 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan, cắt giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, giảm 24 vụ, 118 phòng thuộc vụ/ban…
Cải cách công vụ, công chức có nhiều đổi mới. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và đang xem xét để ban hành 3 nghị định quy định các nội dung liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động, dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử.
Chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đã chỉ đạo quyết liệt triển khai, đồng bộ Đề án 06 trên toàn quốc; cấp gần 78 triệu căn cước công dân gắp chíp điện tử cho công dân; kết nối dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 13 đơn vị bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 57 địa phương.
Các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai, phát huy hiệu quả. Hệ thống thông tin của Chính phủ đã xử lý gần 1.500 phiếu lấy ý kiến giúp thay thế hơn 524.000 hồ sơ, tài liệu giấy. Trục liên thông văn bản quốc gia có khoảng 18 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp tục xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ, VPCP tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện báo cáo, kế hoạch hoạt động năm 2023, thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo tại hội nghị để bắt tay vào triển khai ngay cho nhiệm vụ năm 2023.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác CCHC, có đóng góp quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, gồm các đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó có công tác CCHC.
Thủ tướng nhấn mạnh những ý nghĩa của công tác CCHC trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Thủ tướng nêu rõ một số bài học về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu; sự đầu tư về cơ sở vật chất, con người, nguồn lực; triển khai công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, băn khoăn, trăn trở cần sớm khắc phục và làm tốt hơn nữa. Một số mục tiêu CCHC chưa đạt được; nhiều nhiệm vụ CCHC chưa hoàn thành…
Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết cần được khắc phục triệt để; tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị còn cồng kềnh. Việc cải cách TTHC, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại một số bộ, ngành, địa phương cần được thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả và kịp thời. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao, người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nơi còn hình thức. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc. Tỉ lệ các cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt gần 14%...
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, năm 2022, trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác CCHC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức chưa đúng tầm về sự quan trọng của công tác CCHC, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi còn chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới. Có nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Một số cá nhân người đứng đầu có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số có nhiều nội dung mới, khó, chưa có tiền lệ và đòi hỏi sự vào cuộc của người dân, Chính phủ số phải có công dân số, nền kinh tế số phải có nhân lực số…
Thủ tướng nhấn mạnh, CCHC được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả".
Việc thực hiện Nghị quyết số 27 nói chung và công tác CCHC nói riêng rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải thống nhất trong nhận thức và hành động, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả.
Về quan điểm, yêu cầu CCHC, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Tăng cường đoàn kết, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ CCHC năm 2023 theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, đi đầu trong cải cách.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh.
Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ bao trùm là: "Tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội khối Nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ. Các địa phương kiện toàn các ban chỉ đạo CCHC do Chủ tịch UBND làm trưởng ban; Bộ Nội vụ hướng dẫn để thực hiện thống nhất.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác CCHC, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban hành kế hoạch CCHC năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương trước ngày 15/2/2023.
Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ nợ đọng của năm 2022; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cải cách TTHC được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 131/NQ-CP; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp các TTHC; rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tại các luật chuyên ngành, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử được giao.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Trung ương. Tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị. Các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoàn thành việc hướng dẫn vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của viên chức. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định của Đảng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Năm 2023 là năm dữ liệu số, Chính phủ đã thống nhất trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều gia đình có người thân bị chia ly hàng chục năm đã được đoàn tụ, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt như tổ giúp đỡ người dân chuyển đổi số ở Quảng Ninh.
Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra chiều 3/2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Khẩn trương trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường nguồn lực, nhân lực, cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Văn phòng Chính phủ đôn đốc, tham mưu lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện liên thông nhóm TTHC "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí". Xây dựng Khung bộ chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, hoàn thành trong quý II năm 2023.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược CCHC của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Trình Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch hoạt động, Kế hoạch kiểm tra năm 2023, hoàn thành trong tháng 2 năm 2023. Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch xác định Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022. Khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và chính sách liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, hoàn thành trong tháng 4 năm 2023.
Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong quý II năm 2023.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị quyết 116/NQ-CP về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022. Phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có điều kiện. Đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử, các dịch vụ thuế điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023.
Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, hoàn thành trong quý I năm 2023. Trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 2 năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Các cấp, các ngành, địa phương, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động, tích cực, sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai công tác CCHC một cách thiết thực, hiệu quả, có lợi cho người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
PV (Theo VGP)
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?