COVID-19

Không để COVID-19 bùng phát trở lại

03/11/2020 02:50 PM


Trong phiên họp Quốc hội chiều nay (3/11), các đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới nói chung. Nếu để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại thì mọi nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống, toàn xã hội, những kết quả phát triển trong năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn...

Mở đầu phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã xem video clip báo cáo kết quả giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Trong phiên họp chiều nay, các thành viên Chính phủ tiếp tục phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu...

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn, (tỉnh An Giang) nhắc lại kết quả đánh giá của quốc tế về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới, trong một năm nhiều biến động. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ kịp thời DN và người dân gặp khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn được bảo đảm… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn, đây là vấn đề cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Đại biểu cho rằng, chỉ số xếp hạng năng lực Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 13 bậc so với 2014, nhưng vẫn đứng thứ 6 trong ASEAN. Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thiện khung pháp lý về Chính phủ điện tử, cụ thể như văn thư lưu trữ điện tử, chia sẻ nền tảng dữ liệu, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Đại biểu Cao Đình Thường (tỉnh Phú Thọ) cho rằng nếu để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại thì mọi nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống, toàn xã hội, những kết quả phát triển trong năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí tới cả kế hoạch, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu đề nghị Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống COVID-19, bổ sung 3 kịch bản phát triển khi hết dịch, dịch đang diễn biến như hiện nay và dịch bùng phát trở lại để các bộ ngành, địa phương xây dựng các phương án ứng phó cụ thể, chủ động.

Chung ý kiến với đại biểu Cao Đình Thường, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang)  cho rằng  cần đánh giá đầy đủ việc triển khai gói hỗ trợ dành cho DN, người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đại biểu Cao Đình Thường dẫn khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy đến tháng 9/2020 mới chỉ 3% DN vừa và nhỏ nhận được hỗ trợ. Theo các đại biểu, hỗ trợ trực tiếp chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài phải làm sao không để đứt gãy chuỗi cung ứng, cải cách hành chính, kích cầu, giúp DN giảm chi phí, tạo đà phục hồi và phát triển cho DN. Đồng thời, cần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực cho DNNN, mở rộng, trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết để DNNN thực sự là “quả đấm thép” cho nền kinh tế, tạo sức lan tỏa tăng trưởng.

Toàn cảnh phiên họp

Điểm sáng tăng trưởng trong đại dịch COVID-19

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội nhắc lại, tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, COVID-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ, đến nay trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tỷ vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm COVID-19. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực.

Kết quả đạt được trong việc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ. Đặt vấn đề về mục tiêu năm 2021 bao nhiêu là phù hợp, đại biểu cho rằng, Chính phủ đặt ra kế hoạch phát triển năm 2021 với mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, trong đó chỉ tiêu tăng GDP từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.

Đại biểu kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cầm thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021.

Đại biểu cho rằng, năng suất lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm, nhưng tăng năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động. Đại biểu đề nghị phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương…

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) đánh giá năm 2020 có nhiều thách thức như hạn mặn đầu năm, dịch bệnh COVID-19, những ngày qua thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao.

Đề cập đến việc cắt lũ, xả lũ của các hồ chứa, hồ thủy điện trong đợt bão lũ vừa qua, đại biểu Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện có trách nhiệm  giải phóng mặt bằng tại vùng hạ du để bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.

Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đánh giá tác độ biến đổi khí hậu đến từng hồ đập, mức độ an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện, đặc biệt trong mùa lũ; tăng cường giám sát việc trồng và phục hồi rừng tại khu vực triển khai dự án thủy điện...

 

PV