Khuyến khích cai nghiện tự nguyện
15/06/2018 10:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc bổ sung chế độ chính sách cho người đi cai nghiện ma túy tự nguyện là một chính sách nhân đạo của Chính phủ, khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự tại cộng đồng.
Hiệu quả cai nghiện tự nguyện
Cai nghiện ma túy tự nguyện là một trong hai biện pháp cai nghiện (bắt buộc và tự nguyện) được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Thời gia qua, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đã thu được những kết quả đáng kể trong công tác cai nghiện ma túy.
Trong giai đoạn 2003-2016, các cơ sở cai nghiện của nhà nước đã tổ chức cai nghiện tự nguyện cho khoảng 55.000 lượt người, chiếm gần 67% số lượt người đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện (55.000 lượt người/80.000 lượt người), trung bình hàng năm cai nghiện cho khoảng 3.500 lượt người tại 110 cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc có chức năng cai nghiện tự nguyện. Trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 1.345 người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 479 học viên, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập 220 học viên, tại cơ sở tư nhân là 110 lượt học viên, quản lý tại cơ sở xã hội 536 học viên (trung bình quản lý từ 15-30 ngày).
Học viên tham gia các hoạt động vui chơi giải trí tại một cơ sở cai nghiện
Kết quả cai nghiện ma túy tự nguyện cho thấy được hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, cơ quan chính quyền không tốn chi phí lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện ma túy, thời gian xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (theo tính toán của TPHCM thì chi phí cho một người nghiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc khoảng 2 triệu đồng/người), như vậy riêng chi phí lập hồ sơ đề nghị áp dụng cai nghiện bắt buộc cho 100 nghìn lượt người đã tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng, chưa tính chi phí trung bình một người nghiện sử dụng để mua thuốc khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày (khoảng 73 triệu đồng/năm).
Ngoài ra, việc tự nguyện đi cai nghiện cũng làm giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm tình trạng tội phạm, mất an toàn trật tự xã hội, tăng cường sức khỏe của người nghiện, có kiến thức về các bệnh truyền nhiễm, người nghiện được phục hồi hành vi, nhân cách và có niềm tin vào cuộc sống. Như vậy, nếu nhà nước mở rộng bảo đảm cho người đi cai nghiện ma túy tự nguyện lên khoảng 120 nghìn người/năm thì hàng năm tiết kiệm cho nhà nước và xã hội khoảng 9 nghìn tỷ đồng/năm.Chương trình cai nghiện ma túy tự nguyện nếu được mở rộng, khuyến khích thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội.
Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ giảm số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện tự nguyện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo người nghiện ma túy khi có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đều có cơ sở cai nghiện để thi hành quyết định; các cơ sở cai nghiện tự nguyện phải gắn kết với cộng đồng.
Đa dạng các loại hình cơ sở cai nghiện để người nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ cai nghiện ma túy theo nhu cầu. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức đào tạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy.
Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa nhằm huy động các tập thể, cá nhân đóng góp cho công tác cai nghiện ma túy; nghiên cứu, thí điểm đặt hàng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy bắt buộc.
Tháo gỡ khó khăn và khuyến khích cai nghiện tự nguyện
Nghị định số 80/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 147/2003/NĐ-CP ngày 2/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấp phép và quản lý hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh vừa được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ những khó khăn cho cai nghiện tự nguyện và khuyến khích phát triển hoạt động này.
Trước đây, quy định điều kiện đối với người đăng ký tham gia cai nghiện tự nguyện phải có đơn đăng ký và Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn(có công chứng hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu) theo Quy định tại Điều 26 Nghị định 135/2004/NĐ-CP. Điều này làm cho việc mở rộng người đi cai nghiện tự nguyện cũng gặp khó khăn, chưa đúng chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Thời gian xét đơn xin đi cai nghiện là quá dài (7 ngày) theo giờ làm việc và phải gửi quyết định tiếp nhận cho người thân, ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó sinh sống theo quy định tại Điều 27 Nghị định 135/2004/NĐ-CP. Với thời gian xét vậy quá dài, trong khi người nghiện không phải lúc nào cũng nhận thức và đủ kiên trì để đi cai nghiện ma túy tự nguyện, ngoài ra việc gửi quyết định về cho người thân, ủy ban nhân dân nơi người đó sinh sống mang sự kỳ thị, ảnh hưởng bí mật đời tư của người nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện phải trả nhiều chi phí, trong khi phần lớn người nghiện ma túy là gia đình khó khăn và Luật Phòng, chống ma túy đã quy định “nhà nước khuyến khích người nghiện tự nguyện cai nghiện” nhưng chính sách thực tế chưa quy định. Những thành phố đã bảo đảm kinh phí cho người đi cai nghiện tự nguyện như Hà Nội, TPHCM… thì thu hút được người nghiện tự nguyện nhiều hơn, giảm chi phí lập hồ sơ, xác định tình trạng nghiện….
Theo Nghị định mới, giao dịch giữa người có nhu cầu cai nghiện ma túy và cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy là quan hệ dân sự, được thực hiện thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện. Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi có nhu cầu cai nghiện ma túy phải thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Khi tiến hành giao kết hợp đồng, người thực hiện giao kết hợp đồng phải chứng minh nhân thân bằng một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy khai sinh; giấy phép lái xe.
Ngay khi người có nhu cầu cai nghiện ma túy đề xuất nhu cầu sử dụng dịch vụ cai nghiện ma túy và chứng minh nhân thân, cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người cai nghiện, quyền và nghĩa vụ của cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện.
Nghị định mới cũng bổ sung chế độ, chính sách đối với người đi cai nghiện ma túy tự nguyện. Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách và dự kiến số lượng người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở công lập thuộc phạm vi quản lý quyết định mức hỗ trợ cao hơn, đối tượng mở rộng hơn ngoài chế độ quy định trên; mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào sơ sở cai nghiện bắt buộc…Việc hỗ trợ kinh phí cho người đi cai nghiện tự nguyện hứa hẹn sẽ có thêm người tự nguyện đi cai, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự tại cộng đồng.
Theo tiengchuong.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?