Tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho phụ nữ nông thôn
17/05/2018 02:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chất lượng lao động thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm chưa cao là một trong những rào cản khiến phụ nữ nông thôn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm và tiếp cận với thị trường lao động. Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững.
Tổ hợp tác - mô hình tạo việc làm mới cho phụ nữ nông thôn.
Hơn 60% lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức
Theo báo cáo năm 2016 của Tổng cục Thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, đóng vai trò quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng này vẫn gặp phải nhiều thách thức, rào cản.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức hiện nay còn khá cao, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn). Chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng đầu ra cho họ sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn.
Lý do là các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, thiếu các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa... Lao động nữ nông thôn lớn tuổi cũng đang gặp khó khăn trong chuyển đổi việc làm, ngày càng có ít cơ hội tham gia thị trường lao động vì phần lớn các doanh nghiệp hiện nay không nhận lao động trên 30 tuổi.
Ở cả phạm vi quốc gia và quốc tế, những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đang được áp dụng trong nông nghiệp đã tạo ra những bước tiến vượt bậc trong sản xuất kinh doanh nhưng lại làm giảm đáng kể số lượng việc làm của lao động giản đơn do được máy móc thay thế, đồng thời đòi hỏi lao động phải có trình độ kỹ thuật cao hơn. Điều này đang gây ra nhiều bất lợi cho phụ nữ nông thôn, vốn được coi là có trình độ kỹ thuật thấp hơn.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, hầu hết lao động nữ làm việc trong những lĩnh vực có chuyên môn không cao. Cụ thể như công nhân da giày, dệt may, dịch vụ (chiếm hơn 70% tổng lao động trong các ngành này). Tỷ lệ lao động nữ khu vực phi chính thức khá cao, 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; hơn 43% lao động nữ làm công việc nông nghiệp... Số liệu thống kê cũng cho thấy, phụ nữ làm công hưởng lương thấp hơn nam giới, trung bình là 4,58 triệu đồng so với 5,19 triệu đồng của lao động nam.
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội cho rằng: “Lao động nữ đang chịu khá nhiều thiệt thòi, bởi cùng lúc họ phải đảm nhận nhiều trọng trách: Vừa sinh con, nuôi dưỡng con, vừa làm kinh tế, thu vén nội trợ. Thêm vào đó, quá trình làm việc cũng gặp nhiều khó khăn hơn do bị coi thường, đánh giá thấp. Mức lương cơ bản của phụ nữ làm công việc tự do bao giờ cũng thấp hơn so với nam giới”.
Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động nữ nông thôn
Để hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng giúp họ tiếp cận được các quyền cơ bản, mới đây, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra mục tiêu đưa 100% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Trước đó, vào tháng 3/2017, Việt Nam cũng đã thực hiện chương trình “Sáng kiến thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình” nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nguồn vốn chính thức và phi chính thức thông qua các dự án đầu tư tổ chức nước ngoài. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn.
Ngoài vấn đề tăng cường năng lực về phát triển kinh tế, vốn vay, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội, gần đây cơ quan quản lý còn hỗ trợ giúp phụ nữ nông thôn tăng cường tiếp cận đất đai.
“Thời gian qua, các chính sách nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng hoàn thiện. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017… phụ nữ nông thôn ngày càng được tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách, chương trình này. Đến nay, ước tính có trên 46% lao động nữ trong tổng số lao động được học nghề theo các đề án, chương trình của Bộ LĐ-TB&XH”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.
Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản và khó khăn, thách thức. Cụ thể, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng nhưng các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn và tập trung vào các kỹ năng “truyền thống” của phụ nữ, đồng thời đầu ra sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn.
Để tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành nên phối hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, mô hình đào tạo nghề; thực hiện công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề, việc làm đối với người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đa dạng, linh hoạt các chương trình đào tạo, hình thức đào tạo; gắn chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu, theo đặt hàng của doanh nghiệp…
Theo Dân sinh
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?