Phân tích tác động tài chính của Thông tư liên tịch số 37 tới chi phí khám chữa bệnh BHYT
19/01/2018 09:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 19/1 tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Dự án Quản trị và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo kỹ thuật "Kết quả ban đầu nghiên cứu phân tích tác động về mặt tài chính của Thông tư liên tịch số 37/2015-TTLT-BYT-BTC tới chi phí khám chữa bệnh BHYT".
Quang cảnh Hội thảo.
Thông tư liên tịch số 37/2015-TTLT-BYT-BTC (sau đây gọi tắt TT37) của Bộ Y tế - Bộ Tài chính là văn bản pháp luật quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, giá viện phí tại các bệnh viện đồng hạng sẽ được bổ sung thêm 2 cấu phần đó là phụ cấp thường trực và phẫu thuật, thủ thuật (đối với các phẫu thuật, thủ thuật) và chi phí tiền lương theo ngạch bậc. Đối tượng chủ yếu của Thông tư 37 là 3 loại hình dịch vụ y tế: khám bệnh, khám chữa bệnh nội trú và dịch vụ kỹ thuật.
Do đó, Dự án HFG đã và đang làm việc với BHXH Việt Nam và Bộ Y tế để nghiên cứu tác động của Thông tư 37 tới chi phí KCB BHYT; từ đó xây dựng mô hình dự báo tài chính quỹ BHYT. Nghiên cứu được thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền của Việt Nam gồm: Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang. Tại mỗi địa phương, nhóm nghiên cứu sử dụng hai nguồn số liệu để tập trung phân tích, nghiên cứu là số liệu định lượng thu thập từ BHXH các tỉnh và số liệu định lượng thu thập từ các cơ sở y tế.
Các phân tích, nghiên cứu sẽ xem xét, chỉ ra sự thay đổi trong việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ KCB ngoại trú/nội trú và thay đổi chi phí trung bình của KCB ngoại trú/nội trú trong các năm 2015 và năm 2016- sau khi Thông tư 37 được ban hành.
Trên cơ sở những kết quả ban đầu trong Nghiên cứu phân tích tác động về mặt tài chính của Thông tư 37 tới chi phí khám chữa bệnh BHYT, Hội nghị đã nghe PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý (IPPM) Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và TS. Eamon Kelly, chuyên gia Dự án Quản trị và Tài chính Y tế (HFG) trình bày các nội dung có liên quan đến dự án như: Mục tiêu, số liệu và phương pháp phân tích; tác động của Thông tư 37 trong năm 2016; Các phát hiện chính; ý nghĩa và các bước tiếp theo.
Trong đó, đối với công tác phân tích tác động của Thông tư 37 trong năm 2016, nhóm nghiên cứu đưa ra số liệu chứng minh chi phí trung bình cho KCB nội trú tăng khoảng 16 - 20% trong giai đoạn từ tháng 3 đén tháng 6 năm 2016, trùng hợp với thời gian mà Thông tư 37 bắt đầu được thực hiện. Nhóm đưa ra nhận định việc gia tăng 16 - 20% chi phí KCB trong một thời gian ngắn như vậy có thể do tác động của Thông tư 37.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu nhận thức được những hạn chế của nghiên cứu cũng như xác định được các bước tiếp theo. Cụ thể, một số hạn chế chủ yếu được nhóm nghiên cứu đưa ra đó là: Không phân tích được tác động do thay đổi về hành vi cung cấp/sử dụng dịch vụ của cơ sở y tế và người tham gia BHYT; chưa phân tích được chi phí tiền lương; chưa phân tích được tác động của chính sách về thông tuyến; chưa phân tích được tác động của việc thay đổi mô hình bệnh tật tại các tỉnh tới chi phí trong năm 2016; chưa phân tích chi phí của việc bổ sung thêm các dịch vụ kỹ thuật mới vào phạm vi thanh toán BHYT tại các tỉnh. Các phát hiện trong xây dựng mô hình sử dụng quỹ như: Hoàn thành phân tích đối với chi phí KCB ngoại trú; Xây dựng đầu vào cho mo hình dự báo tài chính quỹ BHYT đối với chi phí trung bình trong đó bao gồm cả Thông tư 37.
Kết thúc Hội thảo, đại diện BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đánh giá cao những kết quả ban đầu mà nhóm nghiên cứu đã đạt được, đồng thời bày tỏ hy vọng trong thời gian tới nghiên cứu phân tích tác động về mặt tài chính của Thông tư 37 tới chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ sớm được hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng./.
TA