Tích cực triển khai các quy định xử lý vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp
24/12/2017 02:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 1.1.2018, nhiều điều khoản quan trọng trong Luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chính thức có hiệu lực, một trong số đó là nền tiền lương đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, đồng thời hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi. Đó là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến về xử lý vi phạm về BHXH được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua.
Các đại biểu tham gia buổi đối thoại về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp
Thay đổi “nền” đóng BHXH
Năm 2018 là năm quan trọng có nhiều đổi mới trong chính sách lương, BHXH đối với người lao động. Một trong số đó là điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.
Quy định này đã khiến không ít doanh nghiệp thậm chí cả người lao động băn khoăn, lo lắng vì mức đóng BHXH cao ảnh hưởng tới thu nhập hàng tháng.
Tại tọa đàm, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, trên hợp đồng lao động có hai khoản thể hiện rõ nhất là mức lương và các khoản phụ cấp như phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ… đã bao gồm phần lớn thu nhập cơ bản và ổn định của NLĐ. “Khi chúng ta bổ sung thêm các khoản thu nhập khác mà trước đây không được tính vào đóng BHXH như sáng kiến, năng suất, điện thoại, xăng xe, ăn trưa… thì mức đóng BHXH của các doanh nghiệp sẽ không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ không có sự thay đổi gì về mức đóng BHXH”. – ông Lê Quân nói.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân phát biểu tại cuộc tọa đàm
Đồng tình với Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: Về việc công khai, minh bạch trong đóng BHXH, thì phải trả sổ cho NLĐ để NLĐ kiểm soát quá trình đóng BHXH của mình; thứ hai, phải công khai minh bạch mức đóng BHXH, để NLĐ nhìn vào mức đóng có thể biết sẽ được hưởng lợi ở mức bao nhiêu. “Hiện nay có khoảng 2,3 triệu người đang hưởng lương hưu, theo mức đóng BHXH hiện tại thì tổng số tiền đóng của những người đang hưởng lương hưu chỉ chi trả được khoảng 10 năm, nếu tính tuổi bình quân của những người hưởng lương hưu theo thống kê hiện nay là trên 24 năm thì sẽ không còn quỹ lương, buộc Nhà nước phải hỗ trợ. Do vậy chúng ta nên công khai minh bạch vấn đề này để cho NLĐ và doanh nghiệp được biết” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Nói về tác động chính sách đối với khi điều chỉnh chính sách từ 1/1/2018, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp và bản thân người lao động cho rằng mức đóng BHXH ở Việt Nam có tỷ trọng cao. Hiện nay mức đóng BHXH là 22%, trong đó 14% là doanh nghiệp đóng, 8% là người lao động đóng. Nhưng lại đóng trên nền rất thấp, các doanh nghiệp đóng trên tiền lương tối thiểu, do đó mức đóng BHXH để làm căn cứ hưởng lương hưu thấp. Phải đóng trên tiền lương thật, thu nhập thật để tích lũy cho mai sau, người lao động khi về già, sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định, trước những thay đổi trong cách tính đóng BHXH, để chuẩn bị cho công tác này, ngay từ năm 2016, 2017 BHXH Việt Nam đã tập trung tuyên truyền về pháp luật chính sách đóng – hưởng để các doanh nghiệp cũng như người lao động nắm bắt được chính sách; tập trung thông tin tuyên truyền đến đơn vị, người lao động dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi, tọa đàm, phát thanh, truyền hình, cử cán bộ xuống trực tiếp đơn vị hướng dẫn... Khoảng 13.000 lượt tin bài phản ánh trên các cơ quan thông tấn, báo chí về các văn bản hướng dẫn và tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, kê khai, đóng BHXH qua Cổng thông tin điện tử, đơn giản hóa hồ sơ mẫu biểu để người sử dụng lao động, người lao động thuận lợi hơn trong quá trình tham gia BHXH.
BHXH Việt Nam đã xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các mẫu biểu công bố. Tổ chức tập huấn đến đơn vị sử dụng lao động để thông suốt các quy trình. Cộng đồng doanh nghiệp và Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam là rất tốt, giảm sâu về bất cập trong giao dịch.
Đồng tình với việc nâng cao tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân nắm được chính sách BHXH rất quan trọng, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, toàn bộ tiền đóng của tất cả 2,3 triệu người hiện nay đang hưởng lương hưu, nếu chi trả lương hưu chỉ được 10 năm, trong khi đó, thời gian sống bình quân của người sau khi về hưởng lương là 18-19 năm. Như vậy, Nhà nước phải hỗ trợ thời gian thiếu còn lại cho người lao động.
Xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật BHXH
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, hiện nay có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh. Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ khi đưa vào 3 Điều 214, 215, 216 trong Bộ luật Hình sự. Việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BH thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Mức hình phạt cao nhất như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Lê Quân hiện nay, đã có các quy định xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng BHXH. Bộ luật Hình sự đưa vào xử phạt tù đối với những trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn.
“Để triển khai, chúng ta đang chờ hướng dẫn thế nào là gian dối, thế nào là gian lận, dùng thủ đoạn. Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật”, - ông Quân nói.
Ông Lê Quân cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan (TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan khác) xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai nội dung nêu trên của Bộ luật Hình sự.
Còn theo, ông Bùi Sỹ Lợi: 3 điều luật này ra đời thì việc tuân thủ Luật BHXH của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.
“BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra, kiểm tra, công khai minh bạch thông tin cả chủ sở hữu lao động và người lao động đóng; trả sổ BHXH tận tay người lao động. Phải phân tích kỹ thế nào là trốn đóng, trục lợi, hành vi nào xử lý hành chính, hình sự để tránh tạo sức ép đối với doanh nghiệp”, - ông Lợi phân tích.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
PV