Thế giới đang đối mặt với nỗi lo già hóa dân số
06/12/2017 11:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Không chỉ riêng Nhật Bản, nhiều quốc gia Đông Á khác cũng có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số trong những thế kỷ tiếp theo.
Thế kỷ vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng dân số chưa từng có trong lịch sử loài người. Trong khi dân số thế giới chỉ tăng gấp đôi trong giai đoạn 1750 – 1900, từ 800 triệu lên 1,6 tỷ người; dân số thế giới đã tăng gấp gần 4 lần trong thế kỷ XX với con số 6,1 tỷ. Chỉ tính trong 15 năm vừa qua, dân số thế giới đã tăng thêm 1,2 tỷ người. Với tình hình này, các quốc gia trên thế giới từ Anh quốc cho đến khu vực châu Phi hạ Sahara đều lo lắng về quá trình “bùng nổ dân số”.
Một xu hướng đang hình thành
Khác với xu hướng chung của thế giới, dân số Nhật Bản đã và đang suy giảm đáng kể từ năm 1920. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sụt giảm dân số của Nhật Bản là 0,7%/ năm. Chính tỷ lệ sinh thấp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng này.
Vào năm 2006, Viện Dân số Quốc gia Nhật Bản và Viện nghiên cứu An ninh Xã hội đã dự đoán đến cuối thế kỷ XXI, dân số của Nhật Bản sẽ giảm còn 50 triệu người và giảm xuống chỉ còn 10 triệu người vào cuối thế kỷ XXII.
Đến năm 2350, dân số Nhật Bản theo dự đoán sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người và đến năm 3000, có lẽ chỉ còn lại 62 người Nhật còn sống trên đất nước Mặt Trời mọc (có lẽ đến lúc đó họ sẽ sống dưới mặt nước).
Không riêng Nhật Bản, nhiều quốc gia ASEAN cũng có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số trong những thế kỷ tiếp theo. Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu về dân số Hàn Quốc trong tương lai. Họ dự đoán rằng, cho đến năm 2503, chỉ còn khoảng 10.000 người Hàn Quốc còn sót lại trên lãnh thổ nước này.
Vấn đề suy giảm dân số cũng không giới hạn trong khu vực Châu Á. Tại một số nước Đông Âu như Bulgaria, dân số nước này hiện đang giảm sút nghiêm trọng do tỷ lệ sinh thấp và di cư cao. Ngoài ra, tỷ lệ gia tăng dân số thấp của Đức là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Thủ tướng Angela Merkel chấp nhận người tị nạn Syria đến quốc gia này.
Chất lượng, không phải số lượng
Vậy chúng ta có nên lo lắng về vấn đề này? Theo cách tiếp cận truyền thống về nhân khẩu học và kinh tế học, quy mô dân số là nhân tố quan trọng hàng đầu đóng góp cho sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo quan điểm truyền thống này, chúng ta cần phải lo lắng rất nhiều về vấn đề suy giảm dân số. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng ta xét đến quá trình già hóa dân số. Đây được xem là “quả bom hẹn giờ” khi nó có thể tác động rất nhiều đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội và y tế của quốc gia.
Tuy vậy, gần đây, các nhà nhân khẩu học đã cố gắng chuyển sự quan tâm của họ khỏi vấn đề dân số tăng lên quá cao hoặc giảm xuống quá thấp. Thay vào đó, họ chỉ xem dân số là một nhân tố đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội cùng với những nhân tố khác như lối sống, giáo dục,…
Theo quan điểm này, quy mô dân số ít quan trọng hơn so với chất lượng của mỗi người (chất lượng của các cá nhân được xác định bằng các tiêu chí như tình trạng giáo dục hoặc thể trạng sức khỏe). Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng việc năng suất lao động có thể quan trọng hơn so với vấn đề suy giảm dân số.
Tác động của việc giảm dân số
Tại sao Nhật Bản và Hàn Quốc lại quá lo lắng về tình trạng suy giảm dân số? Sự suy giảm dân số, theo một mức độ nào đó, có thể được xem là sự suy yếu của quốc gia. Không chỉ tác động đến nền văn hóa, tình trạng suy giảm dân số còn ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản, cũng như tại nhiều quốc gia Đông Á khác, dân số tại khu vực nông thôn đang giảm mạnh do tỉ lệ sinh giảm cũng như do dân cư chuyển sang sinh sống tại các thành phố lớn. Tại Trung Quốc, một số ngôi làng chỉ còn lại những người cao tuổi sinh sống.
Hậu quả của vấn đề này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nông thôn rất rõ ràng. Điển hình như tại Đài Loan (Trung Quốc), trong hai năm vừa qua, 2 trường đại học tại huyện Bình Đông (phía Nam Đài Loan) đã phải đóng cửa. Trong khi có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng một trong số đó chính là tỉ lệ sinh thấp.
Tỷ lệ thanh niên cao
Những gì diễn ra tại huyện Bình Đông là một ví dụ minh họa về tương lai của bộ phận dân số trẻ trên khắp thế giới trong vòng 50 năm tới.
Hiện tình trạng dân số trẻ đang giảm xuống trong giai đoạn 2015 – 2050 bao gồm Thái Lan (giảm 38%), Ba Lan và Hàn Quốc (cả hai nước đều giảm 31%), Brazil (giảm 22%) và Trung Quốc (giảm 21%). Những con số này có thể cho thấy, theo quy luật cung – cầu, chất lượng giáo dục – đặc biệt là giáo dục đại học – sẽ tăng lên. Từ đó, điều này sẽ có tác động đến số lượng của các học viện, trường đại học.
Trong khi đó, sự gia tăng dân số trẻ tại một số khu vực khác (chủ yếu tại khu vực châu Phi hạ Sahara và tại Trung Đông) đã làm dấy lên những mối quan ngại vượt xa vấn đề “đông dân quá mức”. Tại những nơi này, sự gia tăng số lượng thanh niên đã dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như di dân, khai thác tài nguyên quá mức, tình trạng bất ổn,…
Rõ ràng, chúng ta cần phải nhận ra tương lai và tiềm năng thật sự của vấn đề bùng nổ và suy giảm giảm dân số trẻ để xác định được liệu sự giảm dân số hay tăng dân số quá nhanh sẽ có tác động tiêu cực đến xã hội địa phương, quốc gia hoặc toàn cầu hay không. Một nền giáo dục tiên tiến và rộng khắp, dễ dàng tiếp cận công ăn việc làm chính là những ưu tiên hàng đầu cho vấn đề này.
PV