Điện Biên: Thêm hy vọng cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế
16/11/2017 12:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các nguồn viện trợ cho công tác chăm sóc, điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS từ các tổ chức quốc tế đang bị cắt giảm mạnh và sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Từ năm 2018, các chi phí cho công tác trên sẽ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, chi trả.
Điều trị Methadone cho người nghiện nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm mới HIV trong nhóm tiêm chích trên địa bàn tỉnh.
Ðể người bệnh an tâm điều trị, không hoang mang, bỏ dở giữa chừng gây nhiều vấn đề xã hội, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng virus HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trong đó mức hỗ trợ cùng chi trả cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế lên tới 100%. Quyết định có hiệu lực từ 1/1/2018.
Với những người nhiễm HIV, khi chính sách quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng virus HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được ban hành, có hiệu lực sẽ góp phần giảm bớt khó khăn về chi phí khám và điều trị bệnh. Bởi thực tế, người nhiễm HIV, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không có tiền mua BHYT...
Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Điện Biên, toàn tỉnh phát hiện trên 3.400 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó gần 3.000 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Với đặc thù miền núi, phần lớn người nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Nhờ công tác vận động, tạo điều kiện của các cơ quan, cấp chính quyền, đến nay, trên 85% người nhiễm HIV/AIDS đã có thẻ bảo hiểm y tế, gần 15% còn lại chưa có là do không sinh sống ổn định tại địa bàn hoặc có thẻ nhưng sai thông tin, đang triển khai làm lại. Vì vậy, sau khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn diễn ra như bình thường, không bị xáo trộn; bảo đảm phục vụ tốt, giữ hy vọng cho người bệnh và công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Hiện nay, 10/10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh có phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC); 54 xã, phường có thể làm xét nghiệm phát hiện bệnh mà không cần lên tuyến trên… Mỗi năm trong toàn tỉnh trung bình xét nghiệm HIV cho hàng chục nghìn lượt người có nguy cơ.
Bằng những nỗ lực tìm, vận động, hỗ trợ người bệnh của ngành Y tế và các chương trình, dự án, tỉ lệ người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị ngày càng cao, là yếu tố quan trọng để tỉnh tiến đến gần hơn mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, Điện Biên triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên hướng tới mục tiêu 90-90-90; góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <0,6%.
Các mục tiêu cụ thể, bao gồm: 100% cơ quan thông tin đại chúng địa phương thực hiện tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; 100% xã/phường có người nhiễm HIV quản lý được người nhiễm HIV; 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng được phát hiện và báo cáo; 90% người nghiện chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch; điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 60% đối tượng nghiện ma túy; 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế; 95% người nhiễm HIV còn sống, được điều trị bằng thuốc kháng ARV. 100% huyện, thị xã, thành phố có dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS…
Theo Tiếng chuông