Lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm
06/10/2017 01:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là chủ đề hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trong 2 ngày 5-6/10, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đồng tài trợ bởi Tổ chức ILO và Chính phủ Việt Nam. Đây được coi là hoạt động khởi động cho chuỗi các hoạt động triển khai sáng kiến trên của Việt Nam.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo
Lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và ưu tiên của các nước thành viên ASEAN. Các ưu tiên của ASEAN về việc làm bền vững và bình đẳng giới đã được thể hiện cụ thể trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, Tuyên bố về Phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường Phúc lợi xã hội và phát triển cho phụ nữ và trẻ em, Tuyên bố Viên Chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN cũng như thông qua Kế hoạch công tác thuộc kênh Lao động và kênh Phụ nữ giai đoạn 2016-2020 …
Công ước CEDAW và các Công ước của ILO đã quy định các nội dung quan trọng trong việc rà soát pháp luật thông qua lăng kính giới nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia thị trường lao động với những quyền bình đẳng như nam giới. Trên bình diện khu vực, các nước ASEAN đều đã phê chuẩn Công ước CEDAW và một số Công ước ILO liên quan đến bình đẳng giới; đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động để đưa các nội dung này vào cuộc sống.
Tuy vậy, theo ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội vẫn còn nhiều khoảng trống và thách thức về giới như: Phụ nữ kiếm tiền ít hơn nam giới ¼ ở tất cả các nước thành viên ASEAN trừ Phi-líp-pin. Phụ nữ cũng phải đối mặt với tình trạng không có cơ hội làm việc được trả lương. Tại những nước có thu nhập thấp, đa số phụ nữ hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức, tay nghề thấp và không có triển vọng phát triển nghề nghiệp. Ngoài ra, các định kiến xã hội và khuôn mẫu giới khiến phụ nữ bị hạn chế trong việc tiếp cận với giáo dục, kỹ năng và cơ hội kinh tế trong những ngày họ làm việc. Công việc gia đình, chăm sóc gia đình cũng cản trở khả năng làm việc bên ngoài của phụ nữ. So với nam giới trung bình mỗi ngày, phụ nữ trong các nước thành viên ASEAN dành 3,5 giờ cho các công việc gia đình không có lương.
Ông Chang Hee Lee nhấn mạnh: Chúng ta cần phải phá vỡ khuôn mẫu cho tất cả phụ nữ và nam giới. Các khuôn mẫu giới hạn cơ hội cho phụ nữ đóng góp đầy đủ vào nền kinh tế và xã hội. Đây là một tổn thất lớn vì lực lượng lao động đang thu hẹp lại ở nhiều nước trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, tại Việt Nam, việc lồng ghép bình đẳng giới trong luật pháp là yêu cầu bắt buộc được quy định tại Điều 21 của Luật Bình đẳng giới. Theo đó, việc lồng ghép bình đẳng giới đã được thực hiện trong quá trình xây dựng và sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam, Luật Việc làm, Luật An toàn lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Quá trình xây dựng, rà soát và sửa đổi các luật này bên cạnh việc kế thừa, phát triển những quy định đã đi vào cuộc sống, đồng thời còn bổ sung những quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, đảm bảo việc lồng ghép giới trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành thông tư số 17/2014/TT-BTP ngày 13/8/2014 quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Với mục tiêu vào năm 2015, có 80% dự thảo văn bản pháp luật lồng ghép các nội dung thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về giới. Trên thực tế, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 100% văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp xây dựng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành khác đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Hiện nay, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện việc thẩm tra yếu tố giới đối với tất cả các dự thảo luật trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Tại Việt Nam, nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện các trụ cột của việc làm bền vững đã được diễn ra thông qua các hội nghị, hội thảo trong nước và khu vực với sự tham gia tích cực của các nước thành viên ASEAN. Các hội thảo này đã đưa ra những khuyến nghị về việc tăng cường hơn nữa các giải pháp nhằm thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách và pháp luật lao động.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Trong hai ngày tham gia Hội thảo, các đại biểu sẽ có cơ hội cập nhật các thông tin mới nhất về lồng ghép giới do các chuyên gia của Tổ chức ILO tại khu vực và Trung tâm đào tạo ILO tại Turin trình bày. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ về các điển hình tốt về lồng ghép giới trong pháp luật lao động tại mỗi quốc gia để từ đó thảo luận và xây dựng một danh mục đánh giá thực trạng lồng ghép giới trong khu vực.
Theo Báo Dân sinh