Phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT và BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL”
05/10/2017 01:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, ngày 05/10, tại Tp.Cần Thơ, BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT và BHXH tự nguyện vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Hồng Lý và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn dự và chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện: Ban Kinh tế Trung ương; Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế; lãnh đạo các Tỉnh, thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ; Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, BHXH và Hội Nông dân 14 tỉnh, thành phố (gồm 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh);...
“Hiện vùng ĐBSCL còn khoảng 04 triệu người chưa tham gia BHYT và hầu hết người nông dân vùng này chưa tham gia BHXH tự nguyện”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cho biết .
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Hồng Lý nhấn mạnh, BHXH, BHYT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là chính sách cơ bản, đóng vai trò hết sức quan trọng và là trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước. Mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là đảm bảo cho toàn bộ người dân được thụ hưởng chế độ chăm sóc y tế khi ốm đau, bệnh tật và mọi NLĐ đều có lương hưu khi hết tuổi lao động.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý cũng cho biết, hiện nước ta có tốc độ già hóa dân số nhanh, trong khi tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,4% số lực lượng lao động, tương đương với khoảng hơn 203.000 người. “Chính vì vậy, nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện thì sẽ tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội khi số đông người dân hết tuổi lao động không có nguồn tài chính đảm bảo cuộc sống khi về già”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý nói
Song song đó, hiện số người tham gia BHYT của cả nước tuy đã đạt khoảng 85% dân số, nhưng trên thực tế số người tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT đã là hơn 48 triệu người (nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nhóm đối tượng được bảo trợ, người có công với cách mạng, học sinh-sinh viên…). Cụ thể, ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ 100% kinh phí cho khoảng 34,9 triệu người; hỗ trợ mức 70% là 2,5 triệu người; hỗ trợ mức 30% là 11 triệu người.
Theo đó, hiện còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT (tương đương với gần 17 triệu người), với đa số là nhóm người nông dân thuộc diện tham gia BHYT theo hộ gia đình (đối tượng có mức sống trung bình trở lên). “Đây cũng chính là nhóm đối tượng khó vận động nhất. Để triển khai tốt công tác phát triển đối tượng với nhóm đối tượng này, chúng ta cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý nhấn mạnh.
Riêng đối với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, với khoảng gần 18 triệu người, hiện vẫn còn khoảng 04 triệu người chưa tham gia BHYT và hầu hết người nông dân vùng này chưa tham gia BHXH tự nguyện.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý cũng cho rằng, với mạng lưới tổ chức Hội Nông dân ở 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ có đến 1579 cơ sở Hội, 10.334 chi Hội và 63.679 tổ Hội; hiện có 2.625.767 hộ gia đình nông dân tương đương với khoảng hơn 10 triệu nông dân. Đây là trách nhiệm lớn đòi hỏi Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với cơ quan BHXH các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến với hội viên, nông dân.
“Do tính cách phóng khoáng trong lối sống của cư dân ĐBSCL làm cho phần lớn người dân không có thói quen căn cơ, tích cóp chuẩn bị cho bản thân khi tuổi già” Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhận định.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ ngành, các cơ quan đoàn thể, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Ngành BHXH, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số NLĐ tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BH thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, thì kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Đây là một thách thức lớn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của không chỉ riêng Ngành BHXH.
Đặc biệt trong đó phải nhắc tới khu vực ĐBSCL, với dân số khoảng 18 triệu người (chiếm khoảng 21% dân số cả nước), so với yêu cầu và tiềm năng của vùng đất được coi là trù phú nhất Việt Nam, thì công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người dân tại khu vực này còn gặp nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT, cũng như số NLĐ tham gia BHXH của ĐBSCL đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đa số những người dân ĐBSCL dường như chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng thẻ BHYT.
Nhận định về nguyên nhân của hiện trạng này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng, có thể do: Cấp ủy, Chính quyền các cấp ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo; tại mỗi địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT, thiếu thông tin về chính sách pháp luật BHXH, BHYT; nhận thức của người dân về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHXH, BHYT còn kém.
Bên cạnh đó, có thể do đặc điểm địa lý là vùng sông nước, miệt vườn, phần lớn người dân nơi đây đều có ruộng, có vườn và có nguồn thủy sản dồi dào do thiên nhiên ban tặng, nên tâm lý và tính cách phóng khoáng trong lối sống của cư dân nơi đây làm cho phần lớn người dân không có thói quen căn cơ, tích cóp chuẩn bị cho bản thân khi tuổi già.
“Có thể coi những vấn đề nêu trên, chính là những trở ngại đối với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tại vùng ĐBSCL”, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định.
Trong chương trình làm việc của Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn thấp, những khó khăn, tồn tại; chia sẻ những cách làm hay, những mô hình có hiệu quả, đề xuất những giải pháp phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện, BHYT trong thời gian tới; đồng thời, đề xuất đổi mới các nội dung và phương thức phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm phát huy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL trong việc đảm bảo ASXH cho người dân, NLĐ.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đại diện cho 03 cơ quan trao tặng số tiền 150 triệu đồng mua thẻ BHYT cho người nông dân Tp.Cần Thơ.
Thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn trao tặng số tiền 300 triệu đồng mua thẻ BHYT cho người nông dân 03 tỉnh: Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre
Nhân dịp này, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hội Nông dân Việt Nam, và BHXH Việt Nam đã trao tặng 150 triệu đồng cho Tp.Cần Thơ để mua thẻ BHYT cho người nông dân có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh; đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã trao tặng 300 triệu đồng cho 03 tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre để mua thẻ BHYT cho người nông dân có hoàn cảnh khó khăn của các tỉnh (mỗi tỉnh 100 triệu đồng)./.
Trọng Nguyễn