BHXH tỉnh Bình Phước: Thành tựu quan trọng trong 20 năm hình thành và phát triển
03/10/2017 10:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH tỉnh Bình Phước được thành lập theo Quyết định số 1604/QĐ-BHXH-TCCB của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trên cơ sở tách ra từ BHXH tỉnh Bình Dương – Bình Phước và chính thức hoạt động kể từ ngày 01/10/1997 đến nay.
Những bước tiến vững chắc
Ngay từ khi mới thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh, và đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, đến nay, BHXH tỉnh Bình Phước đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những bước tiến vững chắc, thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH, BHYT, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 8/2017 toàn tỉnh có 768.407 người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (trong đó độ bao phủ BHYT toàn dân đạt 79,76%), với số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.336.512 triệu đồng. BHXH tỉnh thường xuyên giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo pháp luật, đảm bảo công bằng, khách quan, thời gian thụ lý hồ sơ nhanh chóng, nhiều trường hợp được giải quyết xong trong ngày, thủ tục hồ sơ giảm dần đã tạo ra sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân, người lao động với chủ trương, chính sách của Đảng, góp phần thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tính từ năm 1997 đến nay, toàn ngành BHXH tỉnh giải quyết được trên 60 ngàn người hưởng trợ cấp BHXH một lần và gần 700 ngàn lượt người hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe…Sau gần 09 năm kể từ khi thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho đến nay, toàn tỉnh có hàng chục ngàn lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, qua đó giúp họ và gia đình ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn vì thất nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng kịp thời, đầy đủ, thuận tiện. Số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tăng lên theo hàng năm. Nếu như năm 1997, số chi chỉ có 246 triệu đồng thì đến cuối năm 2016 số chi BHXH là 860.490 triệu đồng, tám tháng đầu năm 2017 số chi BHXH là 894.742 triệu đồng. Số chi từ ngân sách Nhà nước giảm dần và số chi từ quỹ BHXH tăng. Trong quá trình chi trả đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có đối tượng nào khiếu kiện, thắc mắc vì không nhận được lương hưu và trợ cấp BHXH, không để xảy ra hiện tượng tham ô, tiêu cực trong chi trả.
Số chi từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT tăng hàng năm, quyền lợi của người tham gia BHYT được nâng lên, chất lượng khám bệnh và chữa bệnh ngày càng tốt hơn, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng và đảm bảo, giúp người tham gia BHYT giảm đáng kể gánh nặng tài chính khi chẳng may mắc bệnh. Nếu như năm 2003, số chi quỹ BHYT là 45.479 triệu đồng thì đến hết năm 2016, số chi khám, chữa bệnh BHYT là 513.374 triệu đồng, qua 8 tháng đầu năm 2017, số chi KCB BHYT là 276.966 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí KCB BHYT đa tuyến đi).
Thành tựu quan trọng
Để có được kết quả đó, không thể không nói tới sự phát triển, sự trưởng thành, nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức, ngöôøi lao ñoäng toàn ngành trong thời gian qua. Nếu như trong những ngày đầu thành lập, công chức, viên chức trong toàn ngành chỉ có 30 người (Văn phòng BHXH tỉnh: 15 người, BHXH các huyện, thị: 15 người), thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, phương tiện quản lý lạc hậu, trụ sở làm việc tạm bợ…Thì đến nay, BHXH tỉnh Bình Phước đã có diện mạo mới. Đó không chỉ là trụ sở, phương tiện làm việc tốt hơn, mà quan trọng là ngành BHXH tỉnh đã có một đội ngũ công chức, viên chức được đào tạo và làm việc chuyên nghiệp hơn. Sự phát triển của đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH tỉnh không chỉ đáp ứng tốt những yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn được khẳng định qua thái độ, ý thức làm việc, tinh thần phục vụ đối tượng ngày được nâng cao…
Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã đạt được những thành tựu hết sức căn bản, được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên, ngành BHXH tỉnh vượt qua không ít khó khăn. Trước hết khó khăn lớn nhất chính là nhận thức về chính sách BHXH, BHYT của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân dân còn hạn chế, thậm chí không ít người còn chưa có nhận thức đúng đắn về chính sách BHXH. Về phía người sử dụng lao động, chính vì không nhận thức đúng, đủ về nghĩa vụ của mình trong thực hiện chính sách BHXH nên đã trốn tránh, không đăng ký cho đủ lao động, đóng chậm, đóng thiếu, nợ đọng dây dưa kéo dài…Về phía người lao động, nhiều người cũng chỉ quan tâm đến vấn đề việc làm, thu nhập trước mắt mà không nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi của mình về lâu dài nên đã không đấu tranh với chủ sử dụng lao động để được tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Điều đáng mừng là trong thời gian gần đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW (năm 2012) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã được các cấp, các ngành, các địa phương từng bước đẩy mạnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong các vấn đề liên quan tới thực hiện chính sách, từ tuyên truyền, vận động tới kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…đều có sự phối hợp tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức. Do đó nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong các tầng lớp nhân dân đã được nâng cao hơn, tạo những chuyển biến cụ thể trong hành động, đó là tích cực, chủ động thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh những tồn tại về nhận thức, thời gian qua, nhất là những năm đầu mới thành lập, giống như BHXH các tỉnh, thành trong cả nước, ngành BHXH tỉnh gặp không ít khó khăn do hệ thống các văn bản, quy định liên quan đến thực hiện chế độ BHXH, BHYT chưa đồng bộ, tính pháp lý chưa cao, thường xuyên được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015), Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016) khó khăn này đã được khắc phục khá cơ bản; ngành BHXH tỉnh đã có công cụ, hành lang pháp lý khá chắc chắn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong suốt quá trình hoạt động, để tiếp tục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đồng thời hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị và chỉ tiêu BHYT toàn dân được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ; trong giai đoạn tới BHXH tỉnh sẽ bám sát những định hướng, giải pháp đã nêu trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh các thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh giao dịch hồ sơ qua mạng internet và giao nhận hồ sơ qua hệ thống Bưu điện, ứng dụng tin học hóa trong khám, chữa bệnh BHYT; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ để đảm bảo hầu hết công chức, viên chức của ngành BHXH có phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, tận tụy với công việc.
Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, chắc chắc BHXH tỉnh sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Nhưng BHXH tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Bình Phước; sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, tận tụy với công việc, nỗ lực vượt qua khó khăn của công chức, viên chức toàn ngành để tiếp tục đưa ngành BHXH tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, có đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT …nhằm hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thúy Ái