Quy định mới về bổ nhiệm ngạch đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính
21/09/2017 10:13 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vừa qua, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức hành chính và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức thuộc Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.
Ảnh minh họa.
Đối với quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm h, i khoản 3 Điều 5 về tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
Điểm h, đối với công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp thì trong thời gian giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng; đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu: Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo văn bản QPPL mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trường hợp tham gia xây dựng văn bản mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL không bắt buộc cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì phải thành lập Ban soạn thảo thì phải có văn bản giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng của người có thẩm quyền; Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo đề tài, đề án, chương trình, dự án cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt; Có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền về việc chủ trì xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý văn bản QPPL, gồm: dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội, dự án Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điểm i, có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, công vụ hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại điểm b, c và đ khoản 4 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: b) Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền. c) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính. đ) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương (Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT).
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ quy định tại điểm g, h khoản 3 Điều 6 về tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
Điểm g, đối với công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính thì trong thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản QPPL hoặc đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng; đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu: Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trường hợp tham gia xây dựng văn bản mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL không bắt buộc cơ quan nơi công tác được giao chủ trì phải thành lập Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập thì phải có văn bản giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia xây dựng của người có thẩm quyền; Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, chương trình, dự án cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xâydựng và đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt; Có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền về việc chủ trì hoặc tham gia xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý văn bản QPPL, gồm: dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội, dự án Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Điểm h, có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, công vụ hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).
Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại điểm b, c và đ khoản 4 Điều 6 về tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
Điểm b, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính, thạc sĩ quản lý hành chính công, tiến sĩ quản lý hành chính công. c) Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT) hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số. đ) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại điểm b, c, d khoản 4 Điều 7 về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn ngạch chuyên viên được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên hoặc tốt nghiệp đại học ngành hành chính học, thạc sĩ quản lý hành chính công, tiến sĩ quản lý hành chính công. c) Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số. d) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại điểm a, c và d khoản 4 Điều 8 về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn ngạch cán sự được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm; c) Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số; d) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT.
Đối với tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn ngạch nhân viên được sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Có bằng tốt nghiệp trung cấp với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Riêng đối với nhân viên lái xe cơ quan thì phải có bằng lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, Thông tư số 05/2017/TT-BNV cũng quy định về bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức chuyên ngành hành chính quy định bổ sung Điều 9a Thông tư số 11/2014/TT-BNV.
Đối với Thông tư số 13/2010/TT-BNV
Khoản 2 Điều 15 về xây dựng kế hoạch thi nâng ngạch công chức được sửa đổi như sau: a) Căn cứ đề nghị số lượng chỉ tiêu nâng ngạch của các cơ quan quản lý công chức theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức và thông báo chỉ tiêu nâng ngạch công chức hàng năm để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện; b) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên hoặc tương đương, căn cứ kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức hàng năm của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan quản lý công chức xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch công chức, gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương thống nhất trước khi tổ chức thực hiện theo thẩm quyền; c) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương, căn cứ kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức hàng năm của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan quản lý công chức xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch công chức, gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt để làm căn cứ phối hợp (đối với các Bộ, cơ quan Trung ương) hoặc phân cấp (đối với các địa phương) trước khi tổ chức thực hiện. Trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc địa phương không có khả năng tổ chức thi thì có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giải quyết; d) Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương, căn cứ kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức hàng năm của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương và đề nghị số lượng chỉ tiêu nâng ngạch của các cơ quan quản lý công chức, Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch công chức để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, quy định về hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch công chức (khoản 2 Điều 16) và Điều 17 cũng được Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi cho phù hợp với quy định hiện hành.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2017./.
FU