Trung Quốc cải cách hệ thống thanh toán BHYT
12/09/2017 03:52 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trung Quốc đang tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đặc biệt, cải cách cơ chế thanh toán là trọng tâm của cải cách chăm sóc sức khoẻ.
Vừa qua, tại Bắc Kinh, các quan chức Chính phủ Trung Quốc từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, đối tác xã hội, đại diện các viện nghiên cứu và cơ quan truyền thông đã tập trung thảo luận về vấn đề cải cách hệ thống thanh toán BHYT tại hội thảo do ILO và Bộ Nhân lực An sinh xã hội tổ chức.
Các đại biểu dự hội thảo.
ILO và Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội (ISSR) của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu về Cải cách Cơ chế Thanh toán BHYT. Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ ISSR và Tiến sĩ Schmidt của ILO đã cùng nhau làm việc trong nhiều tháng để xem xét cơ chế thanh toán của nhà cung cấp BHYT ở Trung Quốc và một số nước châu Âu. Mục đích của nghiên cứu này là đề xuất, khuyến nghị các chính sách cho chính phủ về cách cải cách hệ thống thanh toán BHYT.
Trung Quốc đã đạt được thành tích đáng kể trong việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho 1,3 tỷ người. Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng đáng kể chi tiêu cho y tế và giảm chi phí. Sự phát triển nhanh chóng của BHYT là một trong những lý do mà Trung Quốc nhận được giải thưởng từ Tổ chức An sinh Xã hội Quốc tế (ISSA) 2016 cho quốc gia đã có thành tích xuất sắc trong công tác an sinh xã hội. Trung Quốc đạt được tỷ lệ chăm sóc y tế gần như tuyệt đối chỉ trong một thời gian ngắn và đã trở thành tấm gương điển hình cho các nước đang phát triển, họ thể hiện rằng chỉ cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ sẽ có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc cung cấp bảo trợ xã hội cho tất cả mọi người.
Trung Quốc quyết tâm cải thiện sức khỏe người dân thông qua cải tổ hệ thống y tế, điều này xuất phát từ một loạt các biện pháp được nhà nước Trung Quốc thực hiện gần đây bao gồm: Cải cách các bệnh viện công; cải cách hệ thống thanh toán khuyến khích nhà cung cấp dịch vụ; cải cách cơ chế giá dược phẩm; áp dụng các biện pháp thí điểm cho phép các bác sĩ hoạt động như các nhà cung cấp dịch vụ độc lập. Tất cả những điều này đều tạo tiền đề quan trọng để xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khoẻ công bằng và hiệu quả.
Các đại biểu đã thảo luận sâu về cải cách BHYT bao gồm các vấn đề sau: Trung Quốc có thể phải chuẩn bị chi nhiều hơn cho chi tiêu y tế. Chi tiêu y tế là một “cuộc chiến” mà tất cả các nước phát triển phải đối mặt thường xuyên. Vào năm 2016, chi phí y tế trung bình của các nước OECD dao động khoảng 9% GDP (chỉ có Mỹ là ngoại lệ ở mức 17,2%). Lịch sử cho thấy rằng tỷ lệ chi y tế trên GDP sẽ tăng lên, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế, lý do là xu hướng người dân sẵn sàng tiêu tốn nhiều tiền hơn cho việc chăm sóc sức khỏe nếu họ trở nên giàu có hơn, bên cạnh đó, dân số khỏe mạnh sẽ làm tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nâng cao hiệu quả chi phí không phải là mục đích mà là phương tiện để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng và giá cả phải chăng. Câu hỏi đặt ra là sức khỏe và mức độ chi tiêu có đi liền với nhau? Các quốc gia chi tiêu nhiều nhất chưa hẳn là quốc gia có kết quả sức khoẻ tốt nhất, điều này cho thấy chi phí hiệu quả của chi tiêu là rất quan trọng. Chi phí y tế tăng cũng có thể do hệ thống BHYT kém hiệu quả, điều trị quá mức hoặc lạm dụng trực tiếp. Đây là những vấn đề được giải quyết thông qua việc cải cách hệ thống thanh toán của nhà cung cấp dịch vụ. Mỗi phương thức thanh toán đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, mục tiêu cuối cùng của cải cách chăm sóc sức khoẻ ở bất kỳ quốc gia nào là phải cung cấp chăm sóc y tế bền vững và phù hợp cho tất cả mọi người, ngăn ngừa nghèo đói do bệnh tật gây ra./.
An Tran