Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa làm việc tại 3 bệnh viên chuyên sâu, tuyến cuối TP.HCM
11/12/2024 04:18 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/12/2024, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa thăm và làm việc cùng 3 bệnh viện (BV) chuyên sâu, tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM, gồm BV Ung Bướu TP.HCM, BV Tim Tâm Đức và BV Đại học Y dược TP.HCM về kinh nghiệm tái sử dụng vật tư y tế (VTYT) phù hợp và an toàn.
Để bệnh nhân nhẹ phí
Theo TS.BS.Diệp Bảo Tuấn- Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, hơn 80% bệnh nhân thăm khám, điều trị nội-ngoại trú đến từ các địa phương phía Nam, với điều kiện kinh tế phần nhiều là eo hẹp, nên làm mọi cách theo quy định để tiết kiệm chi phí giúp bệnh nhân là chuyện BV đã thực hiện từ nhiều năm qua, trong đó có vấn đề tái sử dụng VTYT trong thăm khám, điều trị. Lãnh đạo BV Ung Bướu TP.HCM lấy ví dụ về dao mổ siêu âm, loại dụng cụ thay thế dao mổ điện từ nhiều năm qua trong phẫu thuật tuyến giáp.
BS.Diệp Bảo Tuấn (phải) giới thiệu VTYT đạt an toàn theo quy trình tái sử dụng
Loại dao mổ này không chỉ giúp bệnh nhân an toàn hơn, còn giúp bác sĩ thao tác nhanh hơn, vì thế thực hiện được nhiều ca mổ hơn. Cũng vì vậy, dao mổ siêu âm đắt đỏ hơn dao mổ điện. Để bệnh nhân đủ khả năng chi trả, BV đã tái sử dụng loại VTYT này như cách hữu hiệu để hạ giá thành. “Dao mổ dùng 1 lần rồi bỏ và dao mổ dùng 5 lần, số tiền túi bệnh nhân đồng chi trả BHYT cũng khác nhau xa lắm chứ”- BS.Tuấn chia sẻ.
Lãnh đạo BV Ung Bướu TP.HCM thông tin thêm, muốn tái sử dụng VTYT để bệnh nhân nhẹ phí, phía BV đã họp Hội đồng khoa học để đúc kết từ thực tế 15 năm qua và “chốt” số lần sử dụng lại VTYT không quá 5 lần: “Dù loại VTYT ấy còn có thể sử dụng thêm, xong chỉ 5 lần là tối đa. Phía BV cũng đã xin ý kiến Sở Y tế vấn đề này, kể cả đồng thuận từ nhà cung cấp, từ đó xây dựng quy trình sát trùng, khử khuẩn và nghiêm túc thực hiện. Hàng chục năm qua, BV chưa ghi nhận ca biến chứng nào liên quan tới việc tối tái sử dụng VTYT...”.
Theo Lãnh đạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, qua tham khảo tài liệu từ FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), được biết đối với một số VTYT được nhà sản xuất khuyến cáo single use (sử dụng 1 lần), khi cần thiết vẫn có thể sử dụng nhiều lần với 2 điều kiện quan trọng: Một là VTYT ấy phải có khả năng khử khuẩn; hai là sau khi khử khuẩn thì VTYT ấy phải có chức năng tương đương lần sử dụng đầu tiên.
Vì vậy, ở BV Ung Bướu TP.HCM, dù tiết kiệm chi phí giúp bệnh nhân, song an toàn vẫn là ưu tiên số 1, nên 5 lần tái sử dụng VTYT chỉ mang tính tương đối. “Nếu quá trình khử khuẩn khiến VTYT bị ảnh hưởng thì nhân sự đặc trách phải đề xuất loại bỏ. Chưa hết, khi bác sĩ phẫu thuật nhận VTYT và đánh giá không đảm bảo chức năng, dù chưa hết 5 lần sử dụng, vẫn đề xuất loại bỏ...”- Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết thêm.
BS.Tôn Thất Minh thuật lại câu chuyện tái sử dụng VTYT mà ông học được ở Singapore
Kinh nghiệm triển khai
Chia sẻ kinh nghiệm tái sử dụng VTYT phù hợp và an toàn, TS.BS.Tôn Thất Minh- Giám đốc BV Tim Tâm Đức nói rất ủng hộ vì tiết kiệm chi phí giúp nhiều bệnh nhân: "Thời gian học ở Pháp chưa thấy nhưng lúc học ở Singapore thì chuyện sử dụng lại VTYT là rất bình thường. Có loại VTYT sử dụng lại cả chục lần, tới lúc không dùng được nữa thì mới loại bỏ”.
Tại BV Tim Tâm Đức, quy trình tái sử dụng VTYT cũng được thiết lập khoa học, thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt. Theo BS.Vương Thị Quỳnh Anh- Trưởng phòng BHYT BV Tim Tâm Đức, tùy vào công năng từng loại VTYT (thăm dò, điều trị...) mà thiết lập số lần sử dụng lại từ 1,2 tới 1,5 lần, rồi 2 lần tới 3 lần, tối đa cũng không quá 5 lần: “Theo quy trình, để sử dụng lại VTYT, các đơn vị liên quan được phân công thực hiện các khâu phân loại dụng cụ, làm sạch, khử khuẩn, kiểm tra và đóng gói, tiệt trùng, bảo quản. Quy trình còn bao gồm cả bước hướng dẫn theo dõi và ghi chép, bước đánh giá và cải tiến nữa...”.
Còn ở BV Đại học Y dược TP.HCM, danh mục VTYT được tái sử dụng phù hợp và an toàn hiện gồm hơn 120 loại. Theo PGS.BS.Nguyễn Hoàng Bắc- Giám đốc BV, việc sử dụng lại VTYT theo cách an toàn là phù hợp với tình hình hiện tại, bởi còn rất nhiều bệnh nhân khó khăn về gia cảnh, eo hẹp về tài chính. Do đó, phía BV đã chủ động xây dựng quy trình với vai trò của rất nhiều đơn vị, khoa, phòng.
Hồi tháng 7/2020, Giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM đã ký ban hành Quy trình quản lý và điều phối sử dụng VTYT thuộc nhóm sử dụng lại. Tới tháng 9/2021, lãnh đạo BV lại ký ban hành Quy trình tái xử lý dụng cụ y tế. Mới đây nhất, hồi tháng 4/2024, BV đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn với chủ đề “Cập nhật hướng dẫn tái sử dụng vật tư tiêu hao”. Điều này cho thấy, lãnh đạo BV Đại học Y dược TP.HCM đã quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ vấn đề tái sử dụng VTYT, còn các đơn vị, khoa, phòng thuộc BV đã triển khai thực hiện hết sức bài bản, khoa học để đảm bảo cao nhất an toàn trong sử dụng.
Đại diện khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ quy trình tái sử dụng VTYT
An toàn là yếu tố hàng đầu để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân
Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo 3 BV, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa luôn đề cập tới vấn đề phù hợp và an toàn trong câu chuyện tái sử dụng VTYT. An toàn là yếu tố hàng đầu để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân, nên Phó Tổng Giám đốc hoan nghênh lãnh đạo và tập thể 3 BV đã dày công nghiên cứu, triển khai tái sử dụng VTYT khoa học, bài bản.
Đối với vấn đề phù hợp, Phó Tổng Giám đốc đề cập tới từng người bệnh gắn với việc giảm nhẹ chi phí, để thấy ý nghĩa của nỗ lực tái sử dụng VTYT trong thăm khám, điều trị. Mở rộng hơn nữa, Phó Tổng Giám đốc cho rằng trong bối cảnh nước nhà còn không ít khó khăn, nên tiết kiệm bằng cách tái sử dụng VTYT không chỉ giảm nhẹ chi phí với từng bệnh nhân khó khăn, còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại của nước nhà.
Được biết, liên quan tới vấn đề tái sử dụng VTYT, Bộ Y tế hồi tháng 4/2017, đã ban hành Thông tư 04 về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, trong đó có một số nội dung hướng dẫn thực hiện đối với VTYT tái sử dụng. Qua nhiều năm, để phù hợp hơn với thực tiễn, vấn đề sửa đổi, bổ sung Thông tư 04 đang được cấp có thẩm quyền đặt ra. Theo Phó Tổng Giám đốc, với kinh nghiệm triển khai thực hiện tái sử dụng VTYT nhiều năm, sự đóng góp ý kiến của 3 BV sẽ hết sức ý nghĩa./.
Theo TapchiBHXH