Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10, khóa XIII
20/10/2024 12:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 20/10/2024 tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với hơn 1,2 triệu đảng viên tham dự. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ cơ quan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Đào Việt Ánh, Chu Mạnh Sinh tham dự tại điểm cầu điểm cầu Trung ương (Phòng họp Diên Hồng). Tại điểm cầu của BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà chủ trì Hội nghị cùng sự tham gia của toàn thể đảng viên trong Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam.
Khuyến khích, bảo vệ, tôn vinh những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phát triển
Tại Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng truyền đạt chuyên đề: "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam".
Theo đó, về các đột phá chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao, 3 đột phá chiến lược xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có giá trị chỉ đạo thực hiện cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Trong giai đoạn mới tiếp tục triển khai thực hiện các đột phá chiến lược này, song để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ 2026 - 2030, tập trung vào 3 nội dung then chốt. Thứ nhất, tập trung xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ thể chế để đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng có hiệu quả các cơ hội lớn tạo ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; tạo động lực then chốt cho sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc nhất là trong các lĩnh vực chủ đạo, then chốt, mũi nhọn; phát triển các mô hình, lực lượng sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới theo hướng hiệu quả, xanh, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày chuyên đề tại Hội nghị.
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là công tác đánh giá cán bộ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp cao chiến lược, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ, tôn vinh những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phát triển, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, hạ tầng công nghệ phục vụ cho quá trình quản lý - quản trị phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội hàm 3 đột phá cho phù hợp, theo hướng diễn đạt lại, bổ sung và làm rõ các nội hàm mới về phát triển các mô hình, lực lượng sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới theo hướng hiệu quả, xanh, bền vững, chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội
Với chuyên đề: "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2025 - 2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành đã tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Đánh giá chung, trong giai đoạn gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vừa qua, Trung ương nhất trí cho rằng, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; chỉ số phát triển con người được cải thiện; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và đánh giá những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương đã cơ bản tán thành quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. Đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất với mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045; tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 - 2030 đạt tốc độ cao, hoàn thành mục tiêu chiến lược; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; bảo đảm các cân đối lớn; có nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại...
Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày chuyên đề tại Hội nghị.
10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng được đề ra. Thứ nhất là tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là phát triển mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ ba là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất GD-ĐT, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi.. Bên cạnh đó là giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới, lấy đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên…
Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là công trình biểu tượng của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thành đồng bộ toàn tuyến nhằm đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XIII và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng”.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng, Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác cán bộ; đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm hơn nữa, chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, dày công xây dựng và sáng suốt lựa chọn, bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIV.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã thống nhất quyết tâm chính trị, những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp chiến lược với tư duy, nhận thức mới. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc đưa Nghị quyết của Đảng tới từng Chi bộ, từng Đảng viên, ngấm sâu và hòa vào thực tiễn cuộc sống đặt ra rất khẩn trương, cấp bách, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tạo thành khối thống nhất về ý chí và hành động.
Về một số nội dung trọng tâm tập trung quán triệt, triển khai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu và chịu trách nhiệm thực hiện. Mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng phải khẩn trương rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP.
Đối với đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, ngay sau Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu, đi đầu, làm ngay, làm rất quyết liệt với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng vì sự nghiệp chung. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều phiên họp rà soát nội dung các luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, đã cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Trung ương 10 đã thống nhất “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm."
Tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị phải lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng không gian cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.
Về các công việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và văn kiện đại hội XIV của Đảng. Mỗi địa phương cần cụ thể hóa, xác định rõ định hướng, giải pháp xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa ở từng địa phương, Hải Phòng, Đà Nẵng đi đầu thực hiện, tạo cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng trong cả nước. Cấp ủy các cấp có kế hoạch cụ thể, tập trung nghiên cứu để thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý Nghị quyết đã đúng, trúng thì tổ chức thực hiện là khâu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến chủ trương của Đảng thành hành động cách mạng, tạo ra của cải vật chất, sản phẩm tinh thần, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng sau Hội nghị, với những tư duy, nhận thức mới đã thấu suốt, với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động, sẽ khơi thông mọi nguồn lực, huy động cao nhất sức người, sức của, tiếp tục tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá của đất nước trong những năm tiếp theo./.
Thu Thuỷ