BHXH tỉnh Vĩnh Phúc 27 năm hình thành và phát triển
02/10/2024 10:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/02/1995- 16/02/2025), chiều ngày 30/9 tại BHXH tỉnh đã tổ chức Gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập BHXH tỉnh Vĩnh Phúc (01/10/1997-01/10/2024). Buổi Gặp mặt có sự tham dự của Ban Giám đốc BHXH tỉnh, đại diện lãnh đạo văn phòng, các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thành phố.
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 1607/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam và bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 01/10/1997 chia tách từ BHXH tỉnh Vĩnh Phú. Cùng với hệ thống BHXH trên cả nước, 27 năm qua tập thể công chức, viên chức, người lao động BHXH Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.
Qua 27 năm hình thành và phát triển, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan. Ngành BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu nổi bật như:
Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT tăng nhanh qua từng năm, nếu như năm 1997 toàn tỉnh mới quản lý 281 đơn vị với 19.720 lao động tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi) thì tính đến hết tháng 9/2024 đã có 7.065 đơn vị với 1.186.686 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (tăng gấp 25,1 lần số đơn vị và tăng gấp 60 lần số đối tượng). Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,71% dân số, tỷ lệ bao phủ BHXH chiếm 43,9% lực lượng lao động (trong đó BHXH tự nguyện chiếm 3,9%) và BH thất nghiệp chiếm 38,6% lực lượng lao động. So với các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo lộ trình được giao tại Nghị quyết số 28/NQ-TW và Quyết định số 546/QĐ-TTg của Chính phủ thì đến nay các chỉ tiêu đã vượt, về trước đích 1 năm. Số thu tăng lên gấp 425 lần so với năm 1997 và hàng năm BHXH tỉnh đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao từ 1% đến 14%; nợ đọng luôn được kiểm soát và duy trì ở mức thấp và luôn nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ nợ thấp nhất; giải quyết cho trên 19,8 nghìn người hưởng lương hưu, 12,7 nghìn người hưởng trợ cấp Tuất và trên 110,3 nghìn lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; trên 1,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và chi trả cho 99,3 nghìn lượt người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Từ năm 2003 đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 24 triệu lượt khám chữa bệnh nội, ngoại trú với số chi hàng năm tăng cao, quyền lợi của người dân tham gia BHYT luôn được đảm bảo tối đa, nếu như năm 2005 chi phí từ quỹ BHYT là 74,5 tỷ đồng thì hết năm 2023 chi 1.795 tỷ đồng. Chất lượng công tác KCB BHYT tại tỉnh đã có nhiều cải thiện đem lại sự tin tưởng cho người tham gia BHYT.
Đồng chí Nguyễn Duy Phương - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi Gặp mặt
Trong chặng đường 27 năm qua BHXH tỉnh đã kiên trì và quyết liệt cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, vận dụng triệt để thành tựu công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào thực hiện chuyên môn nghiệp vụ, đến nay toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận trên 4 hình thức gồm: tại bộ phận 1 cửa của BHXH tỉnh; tại Trung tâm hành chính công; thông qua giao dịch điện tử và thông qua dịch vụ Bưu chính công ích. Số lượng hồ sơ tăng theo từng năm và trong đó hồ sơ giải quyết qua phương thức điện tử chiếm 80% tổng số hồ sơ tiếp nhận. BHXH tỉnh đã hoàn chỉnh, tạo lập được một cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chuẩn xác, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và liên thông với một số cơ sở dữ liệu của Ngành Thuế, Tư pháp... với mỗi người tham gia chỉ có một mã số định danh duy nhất, không trùng nhau, tạo nhiều thuận lợi, người dân có thể giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc. Hiện tại, cơ quan BHXH đang ứng dụng hiệu quả 16 phần mềm nghiệp vụ với 68 dịch vụ công toàn trình và 02 dịch vụ công toàn trình liên thông nên người dân không nhất thiết phải đến cơ quan BHXH để giao dịch làm việc mà thông qua thiết bị điện thoại thông minh; bên cạnh đó, đã minh bạch, công khai thông tin của người tham gia bằng nhiều hình thức như: thiết lập kênh tra cứu trên Cổng thông tin điện tử; qua ứng dụng BHXH số VssID...
Các hình thức chi trả cũng dần được thay thế từ hình thức chi trả trực tiếp sang hình thức chi trả qua tài khoản ATM. Đây là một phương tiện thanh toán hiện đại, giúp cho người nhận chế độ được hưởng trực tiếp và an toàn nhất khi số lượng người hưởng chế độ không ngừng tăng cao hàng năm.
Có thể nói, từ năm 1997 đến nay, trải qua 27 năm với sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, ngành BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã rất vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 vào năm 2007 và Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2011. Nhiều tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng các danh hiệu và hình thức khen thưởng cao quý. Đảng bộ BHXH tỉnh liên tục được công nhận là “cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Các tổ chức quần chúng liên tục đạt danh hiệu vững mạnh.
Tập thể công chức, viên chức, người lao động BHXH Vĩnh Phúc
Thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu về BHXH, BHYT, nhất là BHXH, BHYT toàn dân, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành BHXH Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, vững vàng bước tiếp một chặng đường mới với nhiệm vụ và hành trang mới, luôn luôn giữ vững niềm tin, niềm tự hào với truyền thống của Ngành.
Thục Vĩnh (BHXH tỉnh Vĩnh Phúc)