Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
06/09/2024 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 5/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, một số thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách.
Về phía cơ quan soạn thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng một số cơ quan hữu quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, với sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại cuộc họp này, cơ quan soạn thảo sẽ báo cáo thêm về tiến độ xây dựng và hoàn thiện dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ đóng góp ý kiến sơ bộ về để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đạt các yêu cầu đề ra.
Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc sửa đổi Luật Việc làm xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới và các Nghị quyết, Chỉ thị liên quan.
Dự án Luật hướng đến khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động. Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Toàn cảnh phiên họp
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều. Theo đó, Luật sửa đổi có phạm vi điều chỉnh gồm: Chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm; Đăng ký và quản lý lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm. Đối tượng áp dụng Luật sửa đổi được giữ nguyên như Luật hiện hành gồm: Người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh, người lao động đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Việc làm lần này, do đó Luật cần sửa đổi căn cơ, tổng thể và mang tính toàn diện; Các giải pháp đưa ra phải bảo đảm việc làm bền vững, hỗ trợ cho người lao động khi gặp khó khăn, giúp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ và đào tạo việc làm cho người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần xây dựng được hệ thống thông tin việc làm liên thông, đa tầng; nâng cao chất lượng trung tâm dịch vụ việc làm; thể hiện đầy đủ các nội dung về an toàn vệ sinh lao động, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, dự thảo Luật cần đảm bảo thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phạm Chính