Đề nghị tăng chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, không đóng BHXH cho NLĐ
11/06/2024 10:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng, đề nghị tăng chế tài xử lý vi phạm, nhất là lỗi chủ quan đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, không đóng BHXH cho người lao động.
Đề nghị tăng chế tài xử lý vi phạm với doanh nghiệp nợ đọng BHXH (Ảnh minh họa: DT).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 48/BDN ngày 24/1/2024, nội dung như sau:
“Cử tri phản ảnh, hiện nay tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày một gia tăng, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2017) quy định về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, tuy nhiên chưa có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý theo quy định, nên hạn chế tính răn đe.
Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng này, xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng khi xảy ra tình trạng nợ BHXH ngày càng nghiêm trọng và giải pháp khắc phục tình trạng này, hướng giải quyết đối với những người lao động không được giải quyết chế độ hợp pháp về BHXH tại doanh nghiệp khi chủ sử dụng lao động nợ đọng kéo dài, trốn đóng BHXH.
Đề nghị tăng chế tài xử lý vi phạm, nhất là lỗi chủ quan đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, không đóng BHXH cho người lao động; nghiên cứu bổ sung thêm nội dung quy định, cơ chế kiểm soát về trường hợp vi phạm do doanh nghiệp bị phá sản bỏ trốn”.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT đã được quy định tại các văn bản: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP' và Nghị định số 12/2022/NĐ-CP2.
Việc xử lý đối với vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của Bộ luật Hình sự đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng cụ thể tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP3 ngày 15/8/2019.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
Về vấn đề đảm bảo quyền lợi về BHXH của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, chậm đóng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh hoặc không còn người đại diện theo pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và có văn bản gửi BHXH Việt Nam theo hướng:
(i) giải quyết chế độ BHXH đối với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, BHXH một lần, tử tuất); (ii) xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH.
Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHTN và đảm bảo chế độ cho người lao động.
Triển khai Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, ngày 10/10/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 527/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bô sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Việc xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo Điều 216 Bộ luật Hình sự là một trong những nội dung được trao đổi trong quá trình các bộ, ngành phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội rà soát, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Vũ Thu (TC BHXH)