"Tạo thay đổi đột phá về nhà ở để người dân thoát nghèo"
04/05/2024 10:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trăn trở trước thực trạng nhiều địa phương, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhất trí với kiến nghị của cử tri về việc nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm
"Đề nghị Trung ương nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia", cử tri huyện Bá Thước kiến nghị với các đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều 3/5.
Cùng ý kiến, cử tri Nguyễn Chí Công, Chủ tịch xã Thành Sơn mong Trung ương nâng mức đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, bản đặc biệt khó khăn, để các địa phương này sớm thoát nghèo bền vững.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri (Ảnh: Thanh Tùng).
Trao đổi với cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đánh giá, các ý kiến, kiến nghị được nêu ra xác đáng, sâu sắc.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tình hình kinh tế thế giới hiện có những biến động phức tạp khiến mọi mặt đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như chính sách BHXH, BHYT, an ninh con người, an ninh năng lượng.
Giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đang phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đồng quan điểm với cử tri, Bộ trưởng nhận định, mức hỗ trợ thực hiện chương trình xóa nhà tạm hiện nay cho hộ nghèo còn thấp.
Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có 74 huyện nghèo với khoảng 135.000 hộ gia đình phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Khi làm nghị quyết về chính sách xã hội trình lên Trung ương, Bộ trưởng cũng rất đau đáu về vấn đề này.
"Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nỗ lực, phấn đấu để đến năm 2030, chính sách xã hội mới thực sự tạo bước chuyển, từ cách tiếp cận chính sách với mục tiêu "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển", Bộ trưởng nói.
Ông nêu thực tế, hiện nay cả nước còn khoảng 400.000 nhà tạm, nhà dột nát. Ở một số huyện miền núi xa xôi, nhà ở của nhiều hộ gia đình như một túp lều. Bởi vậy, cần tạo thay đổi đột phá về nhà ở để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Với nỗ lực của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và các cấp, ban, ngành cùng sự chung tay của toàn thể người dân cả nước, kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.
"Phải phấn đấu sao để đến năm 2025, cả nước hoàn thành mục tiêu xóa 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, đồng thời xem xét nâng mức hỗ trợ lên 70-80 triệu đồng/căn nhà xây mới và tối thiểu 40 triệu đồng đối với nhà sửa chữa", Bộ trưởng khái quát.
Muốn thoát nghèo phải tạo được thị trường lao động bền vững
Chia sẻ cùng các đại biểu và cử tri Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh việc phát triển kinh tế, Trung ương đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia tiên phong về xây dựng chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững.
"Để làm được điều này, cần xây dựng cho được thị trường lao động bền vững. Muốn thoát nghèo, muốn phát triển, hoàn thiện chính sách xã hội, đó là điều kiện thiết yếu. Đây là kinh nghiệm đã trải qua của tất cả các quốc gia phát triển", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin đến cử tri.
Đối với ý kiến của cử tri về việc hỗ trợ các xã, thôn không còn trong khu vực đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ, việc này phải làm một cách thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng chạy theo thành tích.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương khi triển khai chương trình cần ưu tiên việc hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Vũ Thu