Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành BHXH Việt Nam
19/04/2024 09:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của của công chức, viên chức trong Ngành cũng như đơn vị sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện PBGDPL về BHXH, BHYT, BHTN
Công tác PBGDPL đạt nhiều kết quả nổi bật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; là tiền đề, cơ sở quan trọng để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Thời gian qua, công tác PBGDPL hoạt động và phát triển ổn định, ngày càng có chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Kết quả thực hiện PBGDPL cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Triển khai Luật PBGDPL năm 2022, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, thời gian qua, xác định PBGDPL là nhiệm vụ đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, công tác PBGDPL của Ngành được thực hiện chủ động, tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Hằng năm, BHXH Việt Nam đều ban hành Kế hoạch PBGDPL ngành BHXH hướng đến đối tượng PBGDPL gồm công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH Việt Nam; đơn vị sử dụng lao động, người lao động; người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện PBGDPL, phân công rõ trách nhiệm các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL của ngành BHXH Việt Nam, thời gian hoàn thành và điều kiện bảo đảm thực hiện; kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL.
Trên cơ sở Kế hoạch PBGDPL của BHXH Việt Nam, 63/63 BHXH các tỉnh, thành phố đã xây dựng Kế hoạch PBGDPL tại địa phương và triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch.
Về nội dung, tập trung phổ biến các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn; các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan. Về hình thức, toàn ngành BHXH đã đa dạng các hình thức PBGDPL, đảm bảo cơ hội tiếp cận đến các đối tượng cần PBGDPL: tổ chức Hội nghị, hội thảo, cuộc thi, đăng tải tin, bài, sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng TTĐT BHXH ngành Việt Nam.
Có thể nói, công tác PBGDPL thời gian qua đã tạo sự chuyển biến trong ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của công chức, viên chức Ngành BHXH cũng như đơn vị sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, giúp người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa, quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT cũng như những nội dung cải cách chính sách BHXH, BHYT. Công tác PBGDPL được thực hiện tốt đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Kết quả nêu trên đã từng bước đổi mới công tác PBGDPL theo định hướng tại Kết luận số 80-KL/TW, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động PBGDPL, là tiền đề quan trọng để đưa pháp luật vào cuộc sống; nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng, chấp hành, tuân thủ pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của Ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như:
Thứ nhất, nội dung và hình thức PBGDPL còn chưa đa dạng, phong phú bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn đặc thù…Hoạt động PBGDPL chưa gắn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; với hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn, cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN
Thứ hai, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác PBGDPL chưa thường xuyên; chưa nhận thức đầy đủ PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức trong đơn vị, trong đó vai trò quan trọng của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong công tác PBGDPL còn chưa được hiệu quả và sâu rộng. Chuyên Trang PBGDPL trên Cổng Thông tin điện tử vận hành đạt hiệu quả chưa cao do chưa cập nhật kịp thời tin, bài, văn bản liên quan, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.
Thứ tư, nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL chất lượng chưa đồng đều. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật chưa nhiều kinh nghiệm, kỹ năng còn hạn chế; hoạt động chưa được thường xuyên, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm.
Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục chú trọng đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo hướng thiết thực, hiệu quả
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL
Để triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới, công tác PBGDPL ngành BHXH Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, chú trọng đối tượng đặc thù; chú trọng việc lồng ghép nội dung PBGDPL trong các chương trình hội nghị, hội thảo, sản phẩm truyền thông; gắn với việc biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách pháp luật gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số và phát huy sức mạnh của mạng xã hội trong công tác PBGDPL; đổi mới việc quản lý, vận hành, cập nhật kịp thời tin, bài, văn bản lên Trang phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, công chức, viên chức của Ngành tiếp cận thông tin, pháp luật dễ dàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Thứ ba, tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác PBGDPL; coi PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức trong đơn vị, trong đó vai trò quan trọng của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL; đào tạo kỹ năng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật.
Thứ năm, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trong ngành BHXH Việt Nam./.
Vụ PC