“Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân”
27/03/2024 09:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chủ đề buổi toạ đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức với sự tham dự của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Bộ Công an; Lãnh đạo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Kho bạc Nhà nước; Lãnh đạo Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) chiều 26/3 nhằm trao đổi, thảo luận về những biện pháp đẩy mạnh số hóa chi trả an sinh xã hội trong thời gian tới. Theo đó, việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai.
Chi trả an sinh xã hội qua tài khoản đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai (Ảnh minh họa)
Toạ đàm: "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" đem lại góc nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội hiện nay. Những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa chi trả an sinh xã hội. Những tiện lợi, lợi ích, những chi phí được cắt giảm thông qua ứng dụng công nghệ số trong chi trả an sinh xã hội mà người dân, xã hội được thụ hưởng. Từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp đối với các bộ ngành, cơ quan hữu quan hữu quan nhằm tiếp tục đẩy mạnh số hóa chi trả an sinh xã hội trong thời gian tới?...
Hết năm 2024, phấn đấu 30% người có tài khoản
Chia sẻ về sự tiện lợi và các phương thức chi trả an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH đã và đang triển khai đến người dân, bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813- QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với C06 để triển khai tại các địa phương.
Bao gồm: Rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội để chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ các cụ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán;...
Bà Hà cho biết, Bộ phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.
Chi trả an sinh xã hội được số hóa mang lại nhiều lợi ích
Làm rõ thêm vấn đề chi trả chính sách an sinh xã hội thông qua phương thức điện tử sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết quy trình chi trả qua tài khoản và vai trò của các bên.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, sắp tới Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán, sau đó cơ quan LĐ-TB&XH sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước.
Quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như như chi trả lương (Ảnh minh họa)
Sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong, kho bạc sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu. Quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước, trước đây khi các đơn vị chuyển lên dịch vụ công trực tuyến thì Kho bạc Nhà nước sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang bảng thanh toán ra ngân hàng thương mại để thanh toán.
“Với quy trình này, khâu đó sẽ được số hoá và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác”, đại diện Kho bạc Nhà nước nêu rõ thêm.
Nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán, Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) cho hay, sau hơn 2 năm triển khai, các bộ, ngành đã triển khai rất tích cực và đạt được những kết quả rất khả quan, qua việc triển khai số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội.
Thứ nhất, Đề án 06 với vai trò của Bộ Công an cùng với Bộ LĐ-TB&XH đã tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây chính là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận trong quá trình chi trả.
Thứ hai, C06 đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, cùng với UBND các địa phương đã hoàn thiện tính năng an sinh xã hội nhằm xây dựng nền tảng thanh toán chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng hướng tới mục tiêu cùng với các bộ, ngành sẽ xây dựng cho tất cả công dân đều có tài khoản an sinh xã hội được xác thực với danh tính từ dữ liệu quốc gia về dân cư. “Nếu ngày mai, người nào đó trở thành đối tượng được chi trả an sinh xã hội thì hoàn toàn có thể thụ hưởng ngay. Chúng ta có thể theo dõi quá trình, kết quả chi trả, được cập nhật liên tục. Do vậy, toàn bộ quy trình chi trả này luôn được đảm bảo thuận tiện, công khai, minh bạch, đúng người, đối tượng và ứng dụng được công nghệ và chuyển đổi số”, ông Nam khẳng định.
Cũng theo ông Nam, thời gian tới, sau khi C06 thực hiện cập nhật chính thức tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID để toàn bộ người dân có thể lên đó đăng ký tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money thì NAPAS sẽ cùng phối hợp thực hiện triển khai chính thức, rộng rãi.
Chi trả an sinh xã hội được số hóa mang lại nhiều lợi ích. Trước tiên là sẽ an toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, đảm bảo sẽ đến được tận tay người hưởng.
Hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai.