Đời sống dân cư và an sinh xã hội được nâng cao theo hướng bền vững
01/12/2023 07:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2023, cả nước có hơn 27,4 triệu sổ BHXH, thẻ BHYT, thẻ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng; công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Đời sống dân cư phản ánh qua chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người tiếp tục duy trì tăng so với năm 2022 và cơ cấu thu nhập có xu hướng bền vững hơn... Các chỉ số về đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2023.
Năm 2023, tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thương mại toàn cầu suy giảm, bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị vẫn tiếp diễn. Phần lớn các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện đó, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280.000 đồng/người/tháng, tương ứng tăng 5,9% so với thu nhập bình quân năm 2022. Như vậy, thu nhập bình quân của người dân nói chung vẫn tiếp tục duy trì tăng, chấm dứt chuỗi giảm thu nhập 2 năm liên tiếp 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập bình quân năm 2023 so với năm 2022 có chậm lại so với tốc độ tăng thu nhập năm 2022, do nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch.
Cơ cấu thu nhập chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ và bền vững hơn khi tỷ trọng thu từ tiền công, tiền lương và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công trong tổng thu của hộ duy trì xu hướng tăng lên. Bên cạnh thu nhập bình quân tăng, kết quả đánh giá của các hộ gia đình vẫn được duy trì ổn định. Cụ thể: Có 28,6% số hộ gia đình có thu nhập tăng lên; 65,5% hộ gia đình có thu nhập không thay đổi; 5,9% hộ gia đình có thu nhập giảm và không biết so với các tháng năm 2022.
Nhận định các yếu tố giúp đời sống dân cư vẫn duy trì ổn định và thu nhập bình quân tăng, ông Phạm Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động; Chính phủ cũng kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô giúp đời sống người dân ổn định.
Bên cạnh đó, một số chính sách đã có tác động tích cực đến đời sống dân cư, nổi bật là chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và giảm thuế VAT có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Đặc biệt, tình hình lao động, việc làm có xu hướng tích cực, thu nhập bình quân của người lao động tăng, kéo theo thu nhập của hộ vẫn duy trì tăng lên.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 19/12/2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó gồm: Hỗ trợ đối tượng người có công, thân nhân người có công gần 4,9 nghìn tỷ đồng (dịp 27/7 gần 1,65 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo gần 3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP gần 4,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường, nổi bật khác phát sinh tại địa phương 151,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, có hơn 27,4 triệu sổ BHXH, thẻ BHYT, thẻ KCB miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, để người dân không bị thiếu đói, tính đến ngày 22/12/2023, Chính phủ cấp xuất tổng số 21,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,4 triệu nhân khẩu. Trong đó: Hỗ trợ 16,9 nghìn tấn gạo hỗ trợ 1,1 triệu nhân khẩu trong dịp Tết Quý Mão; 4,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ 309,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói kỳ giáp hạt.
Số liệu của Bộ NN&PTNT về xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy, cả nước đã có 6.064/8.167 xã (74,25%) đạt chuẩn nông thôn mới; 1.582 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 245 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 268 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,6% số huyện cả nước) và 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
PV