Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH làm việc tại BHXH TP.Hồ Chí Minh
22/11/2023 03:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 22/11, Đoàn giám sát Hội đồng quản lý (HĐQL) BHXH đã có buổi làm việc tại BHXH TP.Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường làm Trưởng đoàn.
Tham dự Đoàn giám sát có lãnh đạo một số trực thuộc BHXH Việt Nam; Văn phòng HĐQL BHXH; thành viên Tổ giúp việc HĐQL BHXH của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH. Về phía BHXH TP.Hồ Chí Minh có: Giám đốc, Phó giám đốc, lãnh đạo các phòng trực thuộc, BHXH quận, huyện và đại diện Bưu điện Thành phố.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Cường cho biết, thực hiện Kế hoạch số 689/KH-HĐQL của HĐQL BHXH, từ ngày 22 - 23/11, Đoàn HĐQL BHXH giám sát về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh với BHXH Thành phố, Bệnh viện ký hợp đồng KCB BHYT và doanh nghiệp để khảo sát, nắm bắt tình hình trong thực hiện, giải quyết các chế độ, chính sách; kết thúc Đoàn có buổi làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường yêu cầu, BHXH Thành phố, Bưu điện Thành phố, BHXH quận, huyện báo cáo, có ý kiến cụ thể về công tác thu, chi, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; công tác giám định BHYT, chi trả các chế độ… Trong đó, tập trung vào các nội dung còn khó khăn, vướng mắc. Với đại diện của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH tham gia Đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Cường cũng đề nghị, BHXH Thành phố trao đổi cởi mở về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nếu có về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn để “Từ những thông tin nắm bắt, giám sát, Đoàn sẽ có kết luận, kiến nghị xử lý tới các cấp có liên quan tháo gỡ, giúp công tác an sinh trên địa bàn TP HCM nói chung và công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn ngày càng tốt hơn” - đồng chí Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh nhiều khó khăn
Tại buổi làm việc, ông Lò Quân Hiệp - Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, giai đoạn 2021 -2023, tình hình kinh tế trong nước nói chung, kinh tế TP.Hồ Chí Minh nói riêng gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài và tình hình chính trị bất ổn trên thế giới. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu suy giảm, thương mại tăng trưởng chậm. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến gỗ, bất động sản,... gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng không tuyển được.
Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, đặc biệt là công tác thu, phát triển người tham gia. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và BHXH Việt Nam; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, thời gian qua, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH Thành phố vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng đều qua các năm; đạt và vượt kế hoạch được BHXH Việt Nam giao. Hiện nay, Thành phố có trên 121.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT với số người tham gia BHXH hơn 2,5 triệu người, BHYT gần 8 triệu người. Số chi BHXH, BHTN, BHYT bình quân 1 tháng gần 5.000 tỷ đồng.
Công tác thu BHXH, BHYT, BHTN luôn hoàn thành chỉ tiêu thu, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 8% đến 15%. Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần ổn định đời sống Nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người dân. Kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết hưởng chế độ BHXH, BHTN. Ngăn chặn tình trạng lạm dụng gây thất thoát quỹ BHXH, BHTN. Tăng cường chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ và BHXH Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành BHXH được triển khai quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
ông Lò Quân Hiệp - Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh đã báo cáo với Đoàn giám sát
Đánh giá các khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, tại buổi làm việc, lãnh đạo BHXH TP.Hồ Chí Minh; các phòng chức năng, BHXH các quận, huyện cũng nêu một số tồn tại, hạn chế hiện nay trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; đồng thời có nhiều đề xuất, kiến nghị đến đại diện Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH.
Theo đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN của Thành phố tăng qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn; số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT còn cao; việc khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế. Chi phí KCB BHYT năm 2023 tăng cao, khó cân đối dự toán được giao. Đa số các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT lên Hệ thống giám định BHYT. Tuy nhiên, còn một số cơ sở KCB BHYT chưa thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về chuẩn hóa dữ liệu, liên thông dữ liệu, chuyển dữ liệu chi phí của bệnh nhân hằng ngày lên Hệ thống giám định sau khi kết thúc đợt điều trị. Khối lượng công việc của BHXH Thành phố quá lớn, ngoài việc phải cập nhật biến động tăng, giảm, điều chỉnh vào phần mềm, cán bộ thu còn phải đi đối chiếu, thanh tra, kiểm tra, gọi điện thoại đôn đốc, nhắc nhở đơn vị, hướng dẫn nghiệp vụ cho đơn vị... trong khi lực lượng viên chức làm công tác thu quá thiếu (đến nay toàn thành phố thiếu 136 người so với biên chế được giao) nên hồ sơ tồn còn lớn.
Tại buổi họp, đại diện Bưu điện TP.Hồ Chí Minh đã thông tin về công tác phối hợp với cơ quan BHXH trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tính đến hết tháng 10/2023, Bưu điện đã đạt 92% kế hoạch được giao về phát triển BHYT hộ gia đình tăng mới, tin tưởng năm nay sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là với lực lượng lao động tham gia số lượng tái tục mới đạt 37% và tăng mới là 8% kế hoạch giao.
Qua báo cáo của BHXH thành phố và ý kiến của các đơn vị, thành viên Đoàn giám sát và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam gồm: Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Vụ Thanh tra – Kiểm tra; Trung tâm Truyền thông; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, Trung tâm CNTT đánh giá, thời gian qua, BHXH tỉnh Thành phố đã bám sát các chỉ đạo của BHXH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những khó khăn chung toàn quốc nhưng cũng có những vấn đề mang tính địa phương. Lãnh đạo các đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp, góp ý để BHXH Thành phố thực hiện tốt hơn chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Đại diện Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH; Vụ BHYT, Bộ Y tế cũng có những đánh giá về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH TP.Hồ Chí Minh; giải đáp một số kiến nghị; đồng thời đề nghị, BHXH Thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; tăng cường rà soát dữ liệu thuế… BHXH Thành phố tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý chi phí KCB BHYT, đẩy mạnh công tác giám định, rà soát, cảnh báo, phát hiện các chi phí bất thường, sai quy định…
Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường kết luận buổi làm việc
Đẩy nhanh độ bao phủ, giảm nợ BHXH, BHYT
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đánh giá cao các kết quả BHXH TP.Hồ Chí Minh đã đạt được thời gian qua. Từ số liệu báo cáo số thu BHXH, BHYT, BHTN của Thành phố như vậy về khối lượng công việc BHXH Thành phố phải thực hiện các quy trình, nhiệm vụ là rất lớn bằng nhiều tỉnh cộng lại về số thu, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc của TP.Hồ Chí Minh là gần 2,6 triệu người, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Cường cho biết, con số này vẫn chưa đáp ứng được chỉ tiêu của Chính phủ và BHXH Việt Nam giao của năm 2023. Với dân số khoảng 9 triệu người, số người trong độ tuổi lao động hơn 4,6 triệu thì TP.Hồ Chí Minh là thị trường lao động rất lớn, còn nhiều “dư địa” trong phát triển người tham gia, mặc dù đang có một số khó khăn về thị trường lao động, sản xuất kinh doanh. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, BHXH Thành phố tăng cường các giải pháp phát triển người tham gia, nhất là BHXH tự nguyện. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là về các điểm mới, tăng quyền lợi của dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang trình Quốc hội. Công tác truyền thông cần rộng rãi, đầy đủ hơn nữa, “đón đầu” đi trước một bước, phản ánh đầy đủ thông tin về chính sách mới cho người dân hiểu và ủng hộ trước khi Luật ban hành khi chính sách an sinh đi vào đời sống tác động trực tiếp đến quyền lợi người dân chủ động, sẵn sàng tham gia. Cần tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành Bưu điện duy trì bền vững, lâu dài và đảm bảo sự phát triển người tham gia mới theo đúng kế hoạch giao; đồng thời đẩy nhanh tỷ lệ người dân hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp BHTN, quản lý người hưởng qua hệ thống bưu điện theo quy định; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua; đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng; BHXH Thành phố cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND Thành phố trình HĐND có chính sách hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên… tham gia đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được người dân tiếp cận và thụ hưởng. Đặc biệt, về thời gian hỗ trợ đối tượng này cần dài có đủ thời gian thoát nghèo, khắc phục hoàn cảnh. Đối với các Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đã được thành lập đầy đủ các cấp, BHXH Thành phố chủ động bám sát, thực hiện tham mưu, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời để tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, tổ, khu, đoàn, hội ... Bên cạnh đó, có đánh giá thiết thực trong chỉ đạo tiến hành có tổng kết, họp bàn, hoặc thực hiện giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT làm tiêu chí cứng trong đánh giá thi đua, khen thưởng cuối năm.
Về lĩnh vực BHYT, từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố có hơn 16,8 triệu lượt người KCB BHYT, dự kiến hết năm 2023, con số này khoảng 18 triệu lượt, cho thấy tần suất KCB trên địa bàn đang ở mức cao hơn bình quân chung toàn quốc. BHXH Thành phố cần có giải pháp để kiểm soát vấn đề chuyển tuyến; tăng cường công tác giám định, phát hiện, cảnh báo các trường hợp chi sai quy định, sử dụng thuốc, vật tư không cần thiết; tăng cường kiểm soát, kiểm tra thông tin giữa hồ sơ giấy và điện tử…
Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN của Thành phố hiện là 7,54% số phải thu, cao hơn bình quân chung cả nước. BHXH tỉnh cần có giải pháp giảm tỷ lệ này qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với tình hình địa bàn, nhận thức, thị hiếu của người dân; tập trung vào giải pháp truyền thông số. Công tác thanh tra, kiểm tra cần thường xuyên, liên tục hơn nữa vì đây là giải pháp rất hiệu quả. BHXH Thành phố cần kiến nghị BHXH Việt Nam để được bổ sung đội ngũ, hoặc có giải pháp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu đặc thù của địa phương.
Về công nghệ thông tin còn nhiều vấn đề bất cập, chưa hỗ trợ thật tốt cho hoạt động của BHXH Thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, Trung tâm CNTT tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của đơn vị, báo cáo BHXH Việt Nam để có giải pháp hỗ trợ, nâng cấp giúp hoạt động của BHXH Thành phố ngày càng tốt hơn; giảm tải khối lượng làm việc cho người lao động.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường cũng tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của BHXH Thành phố và các đơn vị tại buổi làm việc; đồng thời chỉ đạo Văn phòng HĐQL BHXH tổng hợp các khó khăn vướng mắc của BHXH TP thực hiện tham mưu theo thẩm quyền trình HĐQL xem xét, quyết định theo phân công, phân nhiệm hoặc gửi cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết.
Kết thúc Buổi làm việc với BHXH Thành phố, tiếp tục chương trình, chiều ngày 22/11 và sáng 23/11, Đoàn có các buổi làm việc, khảo sát, nắm tình hình KCB và sử dụng quỹ tại cơ sở y tế và doanh nghiệp trên địa bàn. Các nội dung làm việc về công tác khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT; ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh và tình hình sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT; đánh giá công tác giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, ốm đau, thai sản… cho người lao động./.
PV