Quy định về sử dụng CCCD, tài khoản định danh VneID (mức 2) và ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh BHYT
08/11/2023 06:18 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế vừa có Công văn số 7133/BYT-BH gửi BHXH Việt Nam, giải đáp những vướng mắc trong Nghị định số 75/2023/NĐ-CP mà BHXH Việt Nam đề nghị làm rõ và hướng dẫn thực hiện liên quan thủ tục khám chữa bệnh (KCB) BHYT và điều khoản chuyển tiếp...
Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT sẽ có hiệu lực thi hành từ 3/12/2023. Trước đó, BHXH Việt Nam có Công văn số 3503/BHXH-CSYT ngày 27/10/2023 gửi Bộ Y tế, phản ánh một số vướng mắc cần được làm rõ để triển khai.
Nhiều hình thức thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh, mang lại nhiều tiện ích (Ảnh minh họa)
Các giấy tờ chứng minh nhân thân trong KCB BHYT
Cụ thể, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn: “Các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử” là các giấy tờ gì? Thẻ BHYT được tích hợp trên các ứng dụng VssID, VNeID có được sử dụng để xuất trình khi đi KCB không?".
Theo Bộ Y tế, Nghị định quy định theo hướng bao quát để bảo đảm khi thẻ BHYT không có ảnh, người dân có thể thay thế bằng các loại giấy tờ hợp pháp khác chứng minh nhân thân có ảnh để nhận diện khi đi KCB BHYT. Căn cứ các quy định của Luật và Nghị định, khi đi KCB, người tham gia BHYT có thể lựa chọn xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân. Chỉ trong trường hợp xuất trình thẻ BHYT nhưng không có ảnh, thì người tham gia BHYT mới phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý HSSV; các giấy tờ CMND hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
Quy định về các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác ngoài thẻ căn cước công dân cũng được quy định trong một số văn bản pháp luật có quy định về giấy tờ tùy nhân, nhân thân như: Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú; Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; các Thông tư của Bộ GTVT về an ninh hàng không như Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT, Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT và Thông tư số 41/2020/TT-BGTVT. Theo đó, các giấy tở tùy thân, nhân thân có thể được sử dụng gồm: sổ BHXH, giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời; thẻ thường trú, thẻ tạm trú; chứng minh nhân dân, giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân; giấy chứng minh, chứng nhận của quân đội nhân dân...
Bộ Y tế cũng đánh giá: hiện nay, các thông tin về thẻ BHYT và ảnh của người có thẻ BHYT cơ bản đã được tích hợp trên thẻ căn cước công dân và mã định danh công dân nên về cơ bản đã đủ thông tin, hình ảnh phục vụ thuận tiện cho việc xuất trình khi đi KCB BHYT.
Làm rõ về các giấy tờ điện tử
Về giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2, theo Bộ Y tế, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP đã quy định rõ “khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử”.
Hướng dẫn rõ về trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VNeID, Bộ Y tế cho biết: Tài khoản của người dân đã được định danh điện tử mức độ 2 thì được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VNeID để đi KCB BHYT theo quy định của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
Riêng với trường hợp thẻ BHYT được tích hợp trên ứng dụng VssID- BHXH số, theo Bộ Y tế: nội dung này hiện đang được BHXH Việt Nam triển khai thí điểm; trường hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP để đăng nhập ứng dụng VssID thì có thể được sử dụng thẻ BHYT tích hợp trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT.
Bổ sung mức hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng và được áp dụng từ ngày 19/10/2023 (Ảnh minh họa)
Điều khoản chuyển tiếp quyền lợi người tham gia
Công văn của Bộ Y tế cũng làm rõ nội dung về điều khoản chuyển tiếp (Điều 4 của Nghị định 75) liên quan đến quyền lợi người bệnh. Cụ thể, Nghị định 75 đã sửa đổi, bổ sung mức hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng và được áp dụng từ ngày 19/10/2023 (trước thời điểm Nghị định 75 có hiệu lực thi hành là 3/12/2023). Do đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn: với quy định “Người tham gia BHYT vào cơ sở KCB để điều trị trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định này có hiệu lực”, thì thời điểm Nghị định có hiệu lực trong trường hợp này là ngày 19/10/2023. Và người bệnh thuộc nhóm được sửa đổi, bổ sung mức hưởng BHYT mới trong Nghị định sẽ được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (ngày 17/10/2018) của Chính phủ và mức hưởng mới được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.
PV