Quốc hội thảo luận các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia
30/10/2023 09:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành 2 ngày để thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, và đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cùng với đó là thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm sẽ trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu sẽ xem video clip về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên và thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thành viên Chính phủ có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến kéo dài đến ngày 28-11-2023. Ảnh: Quochoi
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội, kết quả triển khai các chương trình giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, giúp cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện. Kết quả giải ngân đã có tiến bộ trong năm 2023, nhất là nguồn vốn đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022; kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đến 31/8/2023 đạt 41,9% kế hoạch.
Tại phiên thảo luận đã có 27 đại biểu phát biểu, một đại biểu tranh luận tập trung về những nội dung sau: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của LLTGBVTT; tiêu chuẩn tham gia LLTGBVTT; chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; điều chỉnh chức danh, điều chỉnh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia LLTGBVTT; bố trí LLTGBVTT; bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với LLTGBVTT; kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của LLTGBVTT; bồi dưỡng, hỗ trợ đối với LLTGBVTT; chế độ, chính sách đối với người tham gia LLTGBVTT bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ; trang phục, giấy chứng nhận, trang bị của LLTGBVTT; quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của LLTGBVTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhiệm vụ chi của Bộ Công an, nhiệm vụ chi của địa phương; hành vi bị nghiêm cấm…
Bắt đầu từ chiều 31/10, Quốc hội sẽ dành 2 ngày thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội;
Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, thực hiện kế hoạch đầu tư công, bổ sung dự toán chi thường xuyên... Thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác trong tuần làm việc thứ 2 sẽ là phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự kiến, Quốc hội sẽ dành cả ngày làm việc 3/11 để thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian thảo luận về 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong tuần này.
PV